Y Tế Hòa Bình những chặng đường lịch sử

Nhìn lại lịch sử hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển của Ngành Y tế Hòa Bình và 56 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Ngay từ sau cách mạng tháng Tám thành công, trong bối cảnh vô cùng khó khăn của một đất nước mới giành được độc lập, cùng với y tế cả nước, y tế Hòa Bình đã lao vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược.

Nhiệm vụ chủ yếu trong thời kỳ này là phục vụ chiến đấu, phục vụ sản xuất, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Những khó khăn vất vả, những gian nan nguy hiểm đã không làm sờn lòng các chiến sĩ áo trắng, những chiến sĩ đánh giặc ốm, đánh giặc ngoại xâm, giặc dốt, những người luôn luôn có mặt tại các chiến hào, bám trận địa để cứu chữa thương bệnh binh, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch Hòa Bình, Điện Biên Phủ. Biết bao tấm gương y, bác sĩ, y tá của quân y, dân y kiên cường dũng cảm xuất hiện trên khắp các chiến trường, nhiều người đã để lại một phần xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, có những cán bộ y tế đã vĩnh viễn ra đi, hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Những năm sau ngày hòa bình lập lại, Ngành Y tế Hòa Bình đã tập trung xây dựng và phát triển y tế nhân dân. Các phong trào “ba diệt, ba sạch”, phong trào “sạch làng tốt ruộng” làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi, góp phần giảm các bệnh dịch như: tiêu chảy, đau mắt đỏ, sốt rét, các bệnh do ký sinh trùng... Năm 1964, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh bằng không lực hết sức ác liệt ra miền Bắc trong đó Hòa Bình cũng có nhiều điểm bị đánh phá như Cầu đen, doanh trại quân đội nhân dân, nhà máy cơ khí 3/2 gây nhiều thương vong cho nhân dân và chiến sĩ. Ngành Y tế Hòa Bình đã hòa nhịp cùng y tế cả nước tham gia cấp cứu thương bệnh binh ở tất cả các tuyến, để hạn chế thương vong cho chiến sĩ và đồng bào, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa.

    Sau ngày đại thắng 30/4/1975, ngành Y tế đã khẩn trương bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, khắc phục hậu quả chiến tranh, phòng chống bệnh dịch, vừa phải vượt qua thách thức bởi tác động của nền kinh tế thị trường, vừa tiếp cận với những vấn đề mới của sự nghiệp cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, Ngành Y tế Hòa Bình đã chủ động tập trung khắc phục mọi khó khăn, trong điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng thấp kém, nhân lực thiếu thốn, trang thiết bị y tế lạc hậu trong khi nhu cầu KCB của nhân dân ngày càng tăng, nhiều bệnh dịch mới lạ, nguy hiểm phát sinh. Phương châm của Ngành Y tế Hòa Bình là: tự lực kế thừa, vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết hợp giữa phòng bệnh và chữa bệnh, lấy dự phòng là chính, kết hợp đông tây y, chú trọng phát triển y học cổ truyền, xây dựng y tế Hòa Bình ngày càng phát triển.

    Nhờ sự quan tâm của Đảng, chính phủ, Bộ Y tế, UBND tỉnh, sự ủng hộ của nhân dân, các ban ngành đoàn thể, đặc biệt là sự kiên trì phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ của gần 3.000 cán bộ công nhân viên chức của Ngành Y tế Hòa Bình. Sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát triển vượt bậc, thu được những thành quả hết sức to lớn, chúng ta đã khống chế được những bệnh dịch nguy hiểm, những bệnh đặc thù của địa phương như sốt rét, bướu cổ, loại trừ đậu mùa, thanh toán bại liệt. Các chỉ tiêu về sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Các bệnh dịch truyền nhiễm như bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi, tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong sơ sinh đều giảm. Ngành Y tế đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra.

    Từ năm 1996 trở lại đây, nhờ sự năng động, sáng tạo, hội nhập kết hợp hài hòa nội lực, ngoại lực, giữa sức mạnh của ngành với sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của 5 dự án quốc tế trên địa bàn: Dự án phòng chống sốt rét Việt Bỉ; Dự án UNFPA chu kỳ 6-7; Dự án JICA, Dự án ADB, Dự án KICH đã đưa sự nghiệp y tế Hòa Bình lên một tầm cao mới. Có thể nói đó là thời kỳ "hoàng kim" nhất từ trước tới nay. Với sự thay đổi đồng bộ, toàn diện về chất lượng, cả thế và lực, cả cơ sở vật chất và trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ cho 4 tuyến từ xã, huyện, tỉnh đến trung ương, đào tạo từ sơ cấp đến sau đại học, trong nước và nước ngoài, mạng lưới y tế được củng cố từ xã lên đến tỉnh với một đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh.

    Công tác phòng chống dịch bệnh đã được tiến hành chủ động, >95% trẻ em được tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em được quản lý đến tận hộ gia đình. Các bệnh dịch mới phát sinh nguy hiểm như tả, thương hàn, SARS, H5N1, cúm A H1N1... trên địa bàn được phát hiện sớm, điều trị tích cực, khống chế không để lây lan và tử vong. Thành công này đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nhân dân ghi nhận. Công tác khám chữa bệnh cũng có những tiến bộ vượt bậc, chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến tỉnh đã được nâng cao, góp phần giảm 30% số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên. Bệnh viện đa khoa tỉnh đã cơ bản đáp ứng được các kỹ thuật cao của một bệnh viện tuyến 2. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được ứng dụng và phát triển. Cách đây 50 năm chúng ta hầu như không có bác sĩ thì đến nay đã có hơn 500 bác sĩ, tỷ lệ bác sĩ/vạn dân là 6,63. Chúng ta đã có 12 bệnh viện đa khoa, 210 trạm y tế xã, 100% số trạm y tế có cán bộ y tế làm việc, 64,76% trạm y tế có bác sĩ, 100% thôn bản có nhân viên y tế thôn bản hoạt động. Với đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ quản lý ngành đã qua nhiều năm công tác có bản lĩnh và kinh nghiệm lãnh đạo, đoàn kết nhất trí, là đầu máy thúc đẩy 43 đơn vị trực thuộc trong toàn ngành lớn mạnh, tạo thế và lực cho những năm tiếp theo.

    Góp phần làm nên những trang sử vẻ vang và thành tích đáng tự hào của Ngành Y tế Hòa Bình là công lao của rất nhiều thế hệ cán bộ từ y đến dược, từ hộ lý đến bác sĩ, từ cán bộ làm lâm sàng đến y tế dự phòng, công tác đào tạo đến công tác dân số. Tất cả đều hòa chung vào dòng chảy chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế, UBND Tỉnh đã đánh giá cao những công lao và thành tích của Ngành, đã trao tặng cho nhiều tập thể, cá nhân các phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng 3, hạng 2, hạng nhất, Huân chương bảo vệ tổ quốc hạng 3, Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, Bộ ban ngành trung ương, Tổng liên đoàn lao động, hàng nghìn kỷ niệm chương các loại đặc biệt ngành đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cho 1 Thầy thuốc nhân dân, 24 thầy thuốc và nhà giáo ưu tú.

   Nhân dịp năm mới Tân Mão và kỷ niệm 56 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, những tình cảm nồng ấm và hồi tưởng tới các vị tiền bối của ngành Y tế Hòa Bình qua các thời kỳ từ cán bộ quản lý, thầy thuốc lâm sàng, y sĩ, y tá, hộ lý và những người phục vụ trong ngành đã góp nhiều công sức trí tuệ để phát triển lịch sử của ngành Y tế tỉnh nhà. Những trang lịch sử phát triển và trưởng thành là một bức tranh đẹp về y tế Hòa Bình: khoa học, dân tộc, đại chúng, là nền y tế nhân dân, nhân đạo, nhân văn, nhân bản, nhân tâm, thấm đậm lời dạy của Bác Hồ kính yêu "Thầy thuốc giỏi đồng thời là người mẹ hiền". Vì thời gian sưu tầm, tìm kiếm tư liệu qua rất nhiều thời kỳ nên không thể tránh khỏi thiếu sót và có thể là chưa đầy đủ mọi khía cạnh của sự phát triển phong phú đa dạng lịch sử của y tế tỉnh nhà. Hội đồng biên soạn hy vọng tiếp tục nhận được nhiều tư liệu quý còn lưu giữ về các giai đoạn lịch sử của ngành y tế Hòa Bình. Lãnh đạo Ngành khuyến khích 43 đơn vị trực thuộc tiếp tục sáng tạo, năng động, sưu tầm tư liệu, thông tin để viết tiếp kỷ yếu của chính đơn vị mình. Mong rằng kỷ yếu của mỗi đơn vị là một bài ca hùng tráng để góp phần tạo nên dấu ấn lịch sử y tế Hòa Bình ngày càng huy hoàng rực rỡ.

Xin trân trọng cảm ơn.

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây