TẬP HUẤN PHÒNG CHỐNG BỆNH DẠI VÀ TRAO ĐỔI CHUYÊN MÔN

Thứ tư - 16/10/2024 22:21 31 0
Ngày 16/10, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với  Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Tập huấn nâng cao năng lực phối hợp liên ngành Y tế - Thú y trong phòng chống bệnh dại khu vực miền Bắc tại tỉnh Hòa Bình năm 2024.
Tham dự lớp tập huấn có đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện các bệnh truyền nhiễm Quốc Gia Nhật Bản. Về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn An Trường - Phó giám đốc Sở Y tế; Sở NN&PTNT; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trung tâm Y tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các trung tâm tiêm chủng dịch vụ tư nhân và các bệnh xá quân y, công an trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn đồng chí Phó giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: Tất cả chúng ta ở đây đều biết bệnh dại là một bệnh lây truyền từ động vật sang người, mà cụ thể ở đây gần như 100% là từ chó lây sang người. Bệnh dại mà đã lên cơn thì vô phương cứu chữa. Tuy nhiên, bệnh dại đã có vắc xin phòng bệnh đặc hiệu. Có thể khẳng định Vắc xin là một thứ vũ khí hữu hiệu nhất, quan trọng nhất để phòng bệnh dại. Tuy nhiên điều trăn trở lớn đối với tất cả chúng ta là mặc dù đã có vắc xin phòng bệnh nhưng hiện nay bệnh dại vẫn là vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Hàng năm, có tới hơn 15 triệu người bị chó mèo cắn phải đi tiêm phòng, hàng chục nghìn người chết do bị chó dại cắn. Chính vì vậy bệnh dại hiện nay đang được Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế quan tâm đặc biệt và đưa vào mục tiêu loại trừ bệnh dại trên toàn cầu. 
Các đại biểu tham dự tập huấn đã được nghe các nội dung về Tình hình bệnh dại trên người tại Việt Nam và tại khu vực miền Bắc năm 2017-2024. Thực trạng bệnh dại ở người và ở động vật tại tỉnh Hòa Bình từ 2017-2024. Giới thiệu tổng quan về giám sát IBCM. Triệu chứng bệnh dại trên động vật, cách sàng lọc. Hướng dẫn giám sát, điều tra, xử lý ổ dịch trên người và động vật, phối hợp lấy mẫu bệnh phẩm. Hướng dẫn lấy mẫu, vận chuyển, bảo quản bệnh phẩm bệnh dại trên động vật. An toàn sinh học khi lấy mẫu, vận chuyển bệnh phẩm nghi dại. Hướng dẫn phòng và điều trị dự phòng bệnh dại ở người. Thực hành cơ chế phối hợp cơ chế liên ngành y tế thú y trong lấy mẫu, giám sát, cơ chế vận chuyển mẫu bệnh phẩm ở người và động vật. Truyền thông nguy cơ trước, trong và sau dịch dại tại công đồng. Thảo luận và giải đáp thắc mắc đại biểu quan tâm.
Tại Việt Nam, bệnh dại đã và đang là vấn đề y tế công cộng rất lớn, hàng ngày, hàng giờ đe dọa sức khỏe, tính mạng người dân của chúng ta. Hàng năm có khoảng hơn một nửa triệu người bị chó nghi dại cắn phải đi tiêm phòng, hàng trăm trường hợp chết, gây ra những tổn thất về sinh mạng cũng như kinh tế to lớn cho cộng đồng và toàn xã hội. Tử vong do bệnh dại luôn đứng số 1 trong các bệnh truyền nhiễm gây tử vong tại nước ta. Và điều buồn nhất và trăn trở nhất của tất cả chúng ta là hầu hết các ca tử vong do bệnh dại đều không được tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ. Chính vì vậy hơn lúc nào hết công cuộc phòng chống bệnh dại đòi hỏi trách nhiệm, sự chung tay của tất cả chúng ta, đặc biệt là vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự chung tay, chung sức của các ban ngành, đoàn thể các cấp, và của toàn xã hội. Trong các chiến lược hiện nay của Tổ chức y tế thế giới và của Việt Nam đều khẳng định điểm mấu chốt để loại trừ bệnh dại là việc phối hợp liên ngành với sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền các cấp cũng như sự tham gia của toàn thể cộng đồng trong đó nòng cốt là ngành y tế và ngành thú y.


Toàn cảnh lớp tập huấn

      Thùy Dung (CDC Hòa Bình)


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây