CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Thứ sáu - 01/04/2022 00:46 748 0
Mùa hè là thời điểm thời tiết nóng ẩm, thường xuyên xuất hiện những cơn mưa rào tạo điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh phát triển và bùng phát mạnh mẽ. Đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết được nhận định trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm là thời điểm bùng phát mạnh nhất.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, năm 2021, toàn tỉnh ghi nhận 21 ca bệnh Sốt xuất huyết Dengue tại 10 ổ dịch (Lương Sơn 03 ổ, TP Hoà Bình 01 ổ, Kim Bôi 05 ổ, Lạc Sơn 01 ổ). Đa phần là các ca bệnh xâm nhập (Bệnh nhân phơi nhiễm ở các tỉnh thành khác sau đó về địa phương điều trị). Riêng từ đầu năm đến hết ngày 31/03/2022, không ghi nhận ca bệnh nào xuất hiện trong tỉnh. Chỉ có 04 ca có hộ khẩu tại Hoà Bình nhưng đang làm việc tại Bình Dương.
Bác sĩ Bùi Văn Phón, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Người bệnh mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột và kèm theo ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn; da xung huyết, phát ban; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; vật vã, li bì; đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Khi có những biểu hiện trên tốt nhất tới cơ sở y tế để khám bệnh, không tự ý điều trị tại nhà. Đến nay, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, vì vậy hoạt động diệt véc tơ đặc biệt là diệt lăng quăng/bọ gậy với sự tham gia tích cực của từng hộ gia đình và cả cộng đồng là biện pháp hiệu quả trong phòng chống sốt xuất huyết”.
Để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh trong mùa hè, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai các hoạt động truyền thông phòng chống trước, trong mùa dịch và triển khai các hoạt động thiết thực nhằm huy động chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và người dân tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh. Giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng. Tập trung truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về phòng bệnh; Củng cố các đội cơ động phòng chống dịch; đảm bảo đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng khi có dịch xảy ra./.
Phun khử trùng tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn

Nguồn tin: Hồng Dung Khoa Truyền Thông GDSK

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây