ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ: CẦN KIỂM TRA SỚM ĐỂ PHÁT HIỆN BỆNH

Chủ nhật - 21/08/2022 22:37 230 0
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ước tính tỉnh Hòa Bình có gần 17.500 người mắc đái tháo đường, trong khi đó, mới phát hiện 10.543 người mắc và 8.350 người đang được quản lý điều trị.
Trong số những người chưa phát hiện, có tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ. Do chưa mắc bệnh trước đó và thường ít có dấu hiệu nhận biết, nên thường không biết bản thân mắc bệnh.
Đái tháo đường thai kỳ là tình trạng mức đường huyết tăng lên và các triệu chứng của bệnh đái tháo đường xuất hiện trong thai kỳ ở một phụ nữ chưa được chẩn đoán mắc bệnh trước đó. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Đái tháo đường thai kỳ hầu như không có các dấu hiệu hoặc triệu chứng đáng chú ý. Một số phụ nữ có thể nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng đầu tiên của bệnh đái tháo đường thai kỳ, bao gồm: Cơn khát tăng dần, khô miệng, uống nhiều hơn mức bình thường mà vẫn có cảm giác khát nước, mệt mỏi, nhanh đói và ăn nhiều hơn.
Nguyên nhân đái tháo đường ở phụ nữ mang thai
Khi các thức ăn được đưa vào cơ thể, tuyến tụy sẽ tiết ra insulin, một loại hormone giúp di chuyển một loại đường gọi là glucose từ máu đến các tế bào để sử dụng nó làm năng lượng.
Trong thời kỳ mang thai, nhau thai tạo ra các hormone gây tích tụ glucose trong máu. Thông thường, tuyến tụy có thể tiết ra đủ insulin để xử lý nó. Nhưng nếu cơ thể không thể tạo đủ insulin hoặc ngừng sử dụng insulin như bình thường, lượng đường trong máu sẽ tăng lên và thai phụ sẽ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Các yếu tố nguy cơ đái tháo đường thai kỳ
Tiền sử gia đình có thành viên mắc bệnh đái tháo đường typ 2.
Đái tháo đường thai kỳ trong những lần mang thai trước.
Thừa cân hoặc béo phì.
Bị hội chứng buồng trứng đa nang hoặc một tình trạng sức khỏe khác có liên quan đến các vấn đề với insulin.
Bị tăng huyết áp, cholesterol cao, bệnh tim hoặc các biến chứng y tế khác.
Đã từng sinh một em bé nặng cân (trên 4kg).
Đã từng bị sảy thai, thai chết lưu hoặc có một số dị tật bẩm sinh.
Biến chứng của đái tháo đường thai kỳ
Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở thai phụ có thể khiến thai nhi phát triển quá lớn, tăng khả năng bị viêm tầng sinh môn khi chuyển dạ. Phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ phải mổ lấy thai vì thai nhi quá to.
 
Bệnh tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ huyết áp cao, tiền sản giật, chuyển dạ sớm ở thai phụ.
Trẻ sinh ra ở các bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có thể gặp phải hội chứng suy hô hấp, hạ đường huyết ngay sau khi sinh. Các đợt hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật ở trẻ.
Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được điều trị có thể dẫn đến cái chết của em bé trước hoặc ngay sau khi sinh.
Nếu bị đái tháo đường thai kỳ, có nhiều khả năng bị tái phát trong lần mang thai tiếp theo và có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuyp 2 cao hơn sau này. Em bé của những bà mẹ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh béo phì và đái tháo đường tuýp 2 cao hơn so với bình thường.
Hầu hết phụ nữ mang thai không gặp phải các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh đái tháo đường thai kỳ. Hầu hết chỉ phát hiện ra mắc bệnh khi đi khám thai. Vì vậy, để biết có mắc đái tháo đường thai kỳ hay không, phụ nữ mang thai cần làm xét nghiệm lượng đường trong máu khi thai được 24 đến 28 tuần, để sớm được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây