VIÊM MŨI DỊ ỨNG THỜI TIẾT: PHIỀN TOÁI MỖI KHI GIAO MÙA
Xa Quốc Văn
2022-09-25T22:45:28-04:00
2022-09-25T22:45:28-04:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/cong-tac-kham-chua-benh/viem-mui-di-ung-thoi-tiet-phien-toai-moi-khi-giao-mua-309.html
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/news/2022_09/image-20220926094303-1.jpeg
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Viêm mũi dị ứng là tình trạng viêm mũi do dị ứng với các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, chất dị ứng có trong không khí, thức ăn… Viêm mũi không phải bệnh lây nhiễm. Bệnh xuất hiện do cơ chế dị ứng theo cơ địa của từng người.
Viêm mũi dị ứng thời tiết do thời tiết thay đổi đột ngột kéo theo sự bất thường về độ ẩm không khí, nhiệt độ và áp suất. Những biến đổi này khiến niêm mạc mũi bị kích thích do không kịp thích nghi. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân phải chịu đựng những đợt viêm mũi dị ứng cấp và mãn tính rất khó chịu. Bệnh thường bùng phát vào một số thời điểm cụ thể trong năm (mùa lạnh, giai đoạn chuyển mùa) và gây ra không ít phiền toái đối với sinh hoạt, lao động.
Ngoài viêm mũi dị ứng thời tiết, còn một số nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng như: Dị nguyên đường thở: Mạt bụi, phấn hoa, lông thú, cỏ khô, bọ ve… Đặc biệt là hoa thường tạo phấn vào mùa xuân, cây cỏ thường tạo phấn vào mùa hè và mùa thu. Những người bị bệnh mãn tính hoặc dị ứng với mạt bụi, bọ ve có thể phải chịu đựng các triệu chứng khó chịu quanh năm; Thực phẩm có thể gây dị ứng mũi cho một số người, thường là hải sản, trứng, động vật có vỏ…
Triệu chứng bệnh viêm mũi dị ứng
Chảy nước mũi, nghẹt mũi, ngứa mũi, hắt hơi liên tục, đặc biệt là khi tiếp xúc với không khí lạnh, nấm mốc, phấn hóa,…
Ngứa cổ họng, ngứa mắt, có thể bị đỏ mắt và chảy nước mắt
Niêm mạc mũi phù nề khiến dịch tiết hô hấp chảy xuống thành sau họng, kích thích phản ứng ho. Đôi khi gây khàn tiếng và ngứa cổ họng
Ù tai, nhức đầu: Các cơ quan hô hấp (tai, mũi, họng) có mối liên hệ mật thiết với nhau. Khi niêm mạc mũi bị sưng viêm và phù nề kéo dài, các cơ quan còn lại có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Thực tế cho thấy, tình trạng hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi,… xảy ra thường xuyên khiến bệnh nhân dễ bị đau đầu và ù tai.
Viêm mũi dị ứng thường gây tiết chảy nước mũi trong suốt. Trong một số trường hợp, dịch tiết có thể bị ứ đọng trong các hốc xoang và khoang mũi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây ra bội nhiễm. Bội nhiễm khiến dịch mũi vàng đục, cơ thể nóng sốt, đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh,… Nếu không điều trị sớm, nhiễm trùng có thể lây lan sang các cơ quan khác.
Các biện pháp giảm triệu chứng bệnh
Mặc dù không thể điều trị hẳn nhưng bệnh nhân có thể giảm triệu chứng của bệnh bằng cách sử dụng thuốc và áp dụng một số biện pháp hỗ trợ.
Sử dụng thuốc là phương pháp chính trong điều trị viêm mũi dị ứng nói chung và viêm mũi dị ứng thời tiết nói riêng. Thuốc có tác dụng cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa – điều trị bội nhiễm (nếu có). Các loại thuốc trị bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết thường được sử dụng: Thuốc kháng histamin H1, Thuốc xịt mũi co mạch, Thuốc xịt mũi chứa corticoid, Kháng sinh được sử dụng trong trường hợp viêm mũi dị ứng bội nhiễm. Ở một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng kèm với các loại viên uống hỗ trợ để nâng cao sức khỏe và khả năng miễn dịch.
Các biện pháp cải thiện viêm mũi dị ứng:
Sử dụng nước muối sinh lý rửa mũi thường xuyên – nhất là trong giai đoạn chuyển mùa, mùa phấn hoa. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 – 3 lần/ ngày giúp làm dịu niêm mạc hô hấp và hỗ trợ tăng cường dẫn lưu dịch. Biện pháp này có thể cải thiện triệu chứng nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa mũi một cách rõ rệt. Hơn nữa, rửa mũi thường xuyên giúp loại bỏ dịch tiết hô hấp, tránh tình trạng dịch tiết ứ đọng trong các hốc xoang, mũi và dẫn đến bội nhiễm.
Xông mũi với thảo dược: Xông mũi với các thảo dược tự nhiên như tinh dầu tràm trà, gừng tươi, vỏ chanh, sả,… giúp làm sạch dịch tiết hô hấp. Đồng thời giảm ngứa ngáy và cải thiện tình trạng nghẹt mũi rõ rệt. Ngoài ra, các thảo dược tự nhiên còn có đặc tính kháng khuẩn tự nhiên góp phần tiêu diệt tác nhân nhiễm trùng và giảm nguy cơ bội nhiễm đáng kể.
Vào thời điểm chuyển mùa, nên sử dụng khẩu trang khi di chuyển và hoạt động ngoài trời để hạn chế hít phải các dị nguyên có trong không khí.
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên và sử dụng thiết bị lọc không khí để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, phấn hoa, nấm mốc… Bệnh nhân cũng cần tránh tiếp xúc với những dị nguyên khác như lông chó mèo, thực phẩm dị ứng, hóa chất, khói thuốc…
Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh hô hấp có liên quan đến yếu tố cơ địa. Dù không đe dọa đến sức khỏe nhưng bệnh lý này gây ra nhiều phiền toái khi sinh hoạt, làm việc. Vì vậy, bệnh nhân cần tích cực điều trị và chủ động trong việc phòng ngừa bệnh tái phát.
Thu Hương - CDC Hòa Bình