TẦM QUAN TRỌNG CỦA DINH DƯỠNG TRONG THỜI KỲ MANG THAI
Xa Quốc Văn
2022-10-19T05:24:19-04:00
2022-10-19T05:24:19-04:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/chuong-chinh-muc-tieu/tam-quan-trong-cua-dinh-duong-trong-thoi-ky-mang-thai-361.html
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/news/2022_10/image-20221019162134-1.jpeg
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Trong 9 tháng nằm trong bụng mẹ, dinh dưỡng của thai nhi hoàn toàn phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng của người mẹ, nguồn dinh dưỡng từ mẹ sẽ theo máu qua nhau thai thúc đẩy sự phát triển của con. Vì vậy, dinh dưỡng đủ và cân đối trong thai kỳ chính là tiền đề để cả người mẹ và thai nhi phát triển khỏe mạnh.
Dinh dưỡng không hợp lý của người mẹ trong thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhỏ yếu, thậm chí liên quan đến một số khuyết tật ở thai nhi. Khẩu phần của người mẹ có đủ folate (vitamin B9) sẽ làm giảm được 50% khuyết tật ống thần kinh ở trẻ. Phụ nữ mang thai thiếu folate có thể để lại nhiều hậu quả như thiếu máu hồng cầu, nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, sinh con nhẹ cân. Khi mang thai, nếu người mẹ dinh dưỡng không đủ sẽ bị giảm sức đề kháng, tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, dễ để lại các khuyết tật vĩnh viễn cho trẻ như tim bẩm sinh, sứt môi hở hàm ếch… nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Dinh dưỡng không đầy đủ trong thai kỳ sẽ làm suy giảm miễn dịch của cả mẹ và thai nhi. Thiếu kẽm ảnh hưởng xấu tới sự phát triển và chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch, tế bào T, tế bào B và đại thực bào làm giảm sản xuất globulin miễn dịch, IgA, IgM và IgG, kháng thể được truyền từ mẹ sang bé. Những kháng thể này chính là yếu tố bảo vệ bé hữu hiệu nhất trước các tác nhân gây bệnh từ khi sinh cho đến 6 tháng tuổi.
Dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ liên quan đến sự phát triển trí não của trẻ. Nghiên cứu ảnh hưởng của trẻ bị nhẹ cân hơn khi sinh do người mẹ thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ lên chỉ số IQ cho thấy với mỗi 1kg thấp hơn khi sinh ra (so với anh/chị em sinh đôi) IQ ngôn ngữ về sau sẽ thấp hơn 13 điểm (13.2%). Thiếu vitamin A, sắt, kẽm và I ốt cộng lại có thể làm giảm chỉ số IQ của cộng đồng từ 10-15 điểm.
Dinh dưỡng của người mẹ trong thai kỳ liên quan đến 1 số bệnh mạn tính không lây của trẻ khi trưởng thành. Thiếu dinh dưỡng vào đầu thai kỳ, con đẻ ra không bị nhẹ cân nhưng sau này có nguy cơ béo phì và bệnh tim mạch cao. Ngược lại, thiếu dinh dưỡng vào cuối thai kỳ, nguy cơ đẻ nhẹ cân và rối loạn khả năng dung nạp glucoza sẽ cao hơn. Nếu bà mẹ không được dinh dưỡng đầy đủ hoặc dinh dưỡng quá mức trong thai kỳ sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng bào thai hoặc bào thai tăng cân quá mức. Cả hai kết cục này đều có thể để lại những hệ quả nghiêm trọng lâu dài cho trẻ như tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch và ung thư.
Thiếu dinh dưỡng hay mất cân bằng về dinh dưỡng có thể gây ra những tác động tiêu cực sâu sắc đối với sự phát triển lâu dài về sau của trẻ. Nếu dinh dưỡng kém, người mẹ không thể cung cấp đủ các vitamin, chất khoáng và các chất dinh dưỡng khác cho thai nhi để đảm bảo thai nhi khoẻ mạnh (còn gọi là mang thai thành công). Dinh dưỡng kém dẫn tới trẻ có cân nặng sơ sinh thấp dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn. Nghiên cứu cho thấy trên thế giới cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ thiếu dinh dưỡng diễn dẫn tới chậm phát triển cả về thể chất và tinh thần. Ngược lại, thừa dinh dưỡng trong giai đoạn này cũng dẫn tới các vấn đề về cân nặng trong giai đoạn sau của cuộc đời. Dinh dưỡng hợp lí của người mẹ trong giai đoạn mang thai là rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sau này.
Thu Hương – CDC Hòa Bình
(Theo tài liệu của Viện Dinh dưỡng Trung ương)