PHÒNG TRÁNH TAI NẠN THƯƠNG TÍCH MÙA MƯA BÃO

Thứ hai - 22/08/2022 22:50 381 0
Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích, trong đó nhóm 15-19 chiếm tỷ lệ cao nhất chiếm 43%, tiếp đến nhóm tuổi 5-14 chiếm 36,9%, thấp nhất là nhóm tuổi 0-4 chiếm 19,5%.
Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp một năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trong toàn quốc do tất cả các nguyên nhân. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).
Tại Hòa Bình, theo số liệu thống kê năm 2021, trong tổng số 12.025 trường hợp mắc tai nạn thương tích, 109 trường hợp tử vong thì có 2.498 trường hợp mắc tai nạn thương tích, 34 trường hợp tử vong là trẻ em. Nhóm tuổi hay mắc nhất là từ 15 – 19 tuổi, tiếp đến là 5 -14 tuổi và thấp hơn là 0-4 tuổi. Đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở trẻ với 22 trường hợp. Tùy từng lứa tuổi mà trẻ có thể gặp các nguyên nhân gây tai nạn thương tích khác nhau, như: đuối nước, ngã, bỏng, điện giật, tai nạn giao thông, ngộ độc, ngạt, động vật tấn công…

Hiện nay, đang trong mùa mưa bão, người dân phải đối mặt với nguy cơ dịch bệnh và các tai nạn rủi ro. Đặc biệt, là đối tượng trẻ em chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân. Nếu chủ quan không biết cách phòng tránh thì có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng.  Vì vậy, để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và gia đình, đặc biệt là trẻ em, dưới đây là một số kỹ năng giúp xử trí đúng và phòng tránh tai nạn thương tích hay gặp trong mưa lũ.
Để chủ động phòng ngừa đuối nước ở trẻ em, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện các biện pháp sau:
1. Làm cửa chắn và rào chắn quanh nhà nếu nhà ở gần vùng sông nước, ao hồ...
2. Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.
3. Đặt biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ gây đuối nước (hồ, ao, mương, máng, sông, ngòi, vùng nước xoáy…).

4. Sử dụng nắp đậy bằng vật liệu cứng, an toàn cho bể nước, giếng khơi, dụng cụ chứa nước (lu nước, thùng nước, chậu nước, bồn tắm,…)
5. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm.
6. Đưa trẻ đi học trong mùa mưa lũ, đặc biệt khi phải đi qua suối, sông.
7. Cho trẻ tham dự các lớp học kiến thức an toàn dưới nước, lớp học bơi và kỹ năng sống sót, lớp sinh hoạt hè do địa phương tổ chức.
8. Mặc áo phao cho trẻ khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy (tàu, xuồng, thuyền, đò,…).
9. Khi gặp trẻ đuối nước cần gọi người hỗ trợ, chỉ cứu trẻ bị đuối nước nếu biết bơi và biết cách cứu đuối.
Phòng chống Điện giật
Điện giật tác động vào hệ thần kinh làm rối loạn hoạt động của hệ hô hấp, hệ tuần hoàn. Dòng điện sẽ gây cháy bỏng và co rút các cơ bắp gây cảm giác đau nhức. người bị điện giật sẽ khó thở, rối loạn nhịp tim. Nếu bị nặng, đầu tiên sẽ ngừng thở sau đó tim ngừng hoạt động, nạn nhân chết trong tình trạng ngạt, bỏng nặng và co rút, tê liệt các cơ bắp.
Cơn bão số 2 gây đổ cột điện tại xã Đông Lai, huyện Tân Lạc
Để phòng tai nạn điện giật: Người dân chủ động kiểm tra hệ thống điện của gia đình mình, xung quanh khu vực mình sinh sống; nếu có gì bất thường phải báo cho cơ quan điện lực biết để sửa chữa kịp thời. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần. Lắp đặt cầu chì, cầu dao, ổ điện… ở nơi khô ráo, tiện sử dụng, cách sàn nhà 1,4m để tránh xa tầm tay trẻ em. Không cắm thẳng dây điện vào ổ điện mà phải dùng phích cắm. Không đứng nơi ẩm ướt để đóng cắt điện. Lau tay khô ráo khi chạm vào dây dẫn hoặc thiết bị điện. Khi rút phích cắm điện phải nắm vào phần vỏ nhựa của thân phích cắm, không được nắm vào dây dẫn điện. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người. Các thiết bị điện bị ngấm nước phải sấy khô mới được sử dụng.
Sét đánh mùa mưa bão
 Hiện đang vào mùa mưa giông vì vậy hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra rất dễ gây nguy hiểm cho con người. Người bị sét đánh có thể ngừng tim ngay lập tức. Ở những người khác có thể không thấy các dấu hiệu tổn thương bên ngoài. Một số người có thể mất ý thức trong thời gian khác nhau. Họ có vẻ lú lẫn hoặc không nhớ chuyện gì xảy ra…
 Xử trí sét đánh tại nhà hoặc hiện trường: cần đặt nạn nhân nằm lên chỗ khô ráo, bằng phẳng, nới rộng quần áo để người bị nạn thở được dễ dàng. Khẩn trương tiến hành hô hấp nhân tạo. Nếu phát hiện nạn nhân bị gãy xương, cần cố định xương chắc chắn trước khi di chuyển. Đặc biệt cẩn thận, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống. Đối với những vị trí bỏng khô, phải để yên, không bôi các loại lá, mỡ theo kinh nghiệm dân gian lên vết bỏng. Sau khi đã thực hiện sơ cứu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
 Phòng chống sét đánh hiệu quả: Khi thấy chuyển mưa dông, những người làm việc ngoài trời cần nhanh chóng về nhà hoặc vào trú ẩn ở các lán trại. Nếu không sơ tán kịp thì phải tránh xa các vật dụng kim loại như: cày bừa, cuốc xẻng, máy bơm nước, xe máy, xe đạp… Đặc biệt lưu ý không tránh mưa dưới các gốc cây to, nhất là những cây cao đơn độc trong vùng trống trải. Bởi  khi tia sét bắt vào cây, dòng điện mạnh có thể truyền sang bất cứ một vật nào dẫn điện hoặc truyền xuống gốc cây tỏa ra trên mặt đất gây tai nạn cho những người trú ẩn dưới gốc cây.
Thu Hương (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây