THÊM NGUỒN LỰC TRONG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE BÀ MẸ - TRẺ EM
Xa Quốc Văn
2024-01-09T04:02:13-05:00
2024-01-09T04:02:13-05:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/them-nguon-luc-trong-cong-tac-cham-soc-suc-khoe-ba-me-tre-em-933.html
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/news/2024_01/image-20240109160053-1.jpeg
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em (Dự án 7) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sau hơn 1 năm thực hiện đã gặt hái nhiều thành tựu.
Dưới sự hỗ trợ của Dự án 7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình đã tổ chức các lớp Tập huấn về chăm sóc trước, trong và sau sinh; tập huấn nâng cao năng lực về khám sàng lọc cho trẻ em; Hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc phát triển trẻ toàn diện... Dự án đã đào tạo được hàng trăm cán bộ tuyến huyện, tuyến xã về chuyên môn cũng như kỹ năng truyền thông về chăm sóc sức khoẻ trẻ em. Hỗ trợ cho các nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản khi chăm sóc cho bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà; Hỗ trợ phụ cấp hàng tháng cho y tế thôn bản đang hoạt động; Xây dựng và triển khai mô hình "Chăm sóc dinh dưỡng 1000 ngày đầu đời" tại 22 xã vùng III. Tổ chức 1.030 buổi hướng dẫn trình diễn thức ăn cho trẻ dựa trên các sản phẩm, thực phẩm cho 30.900 lượt bà mẹ và người chăm sóc trẻ tham dự tại 59 xã vùng III.
Hướng dẫn người chăm sóc trẻ nấu bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ tại trạm y tế xã Hợp Phong, huyện Cao Phong
Nhằm chăm sóc sức khoẻ cho trẻ ngay từ sau khi sinh, Dự án 7 đã hỗ trợ kinh phí cho nhân viên Y tế thôn bản khi thực hiện thăm hộ gia đình có sản phụ sau đẻ. Mỗi bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc ít nhất 3 lần từ khi rời cơ sở y tế đến hết 6 tuần sau sinh.
Nhân viên y tế thôn, bản tham gia chăm sóc sức khỏe trẻ em bằng cách tuyên truyền, vận động dinh dưỡng hợp lý và loại trừ các tập tục có hại cho sức khỏe trẻ em; Hướng dẫn, tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nhà trong 06 tuần đầu sau khi sinh đẻ; Vận động đưa trẻ đi tiêm chủng phòng bệnh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ; Hướng dẫn một số biện pháp đơn giản về theo dõi, chăm sóc sức khoẻ trẻ em và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; tham gia hoạt động cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em: cân, đo, đo vòng cánh tay, chấm biểu đồ tăng trưởng cho trẻ dưới 05 tuổi; tư vấn chế độ ăn bổ sung hợp lý cho trẻ…
Một trong những hoạt động trọng tâm của Dự án 7 là tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và đánh giá dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 2 tuổi lồng ghép với truyền thông dinh dưỡng cho khoảng 7000 trẻ dưới 2 tuổi tại 59 xã vùng III của tỉnh Hoà Bình.
Khám sức khoẻ định kỳ cho trẻ dưới 2 tuổi tại trạm y tế xã Thạch Yên, huyện Cao Phong
Tại các buổi khám sàng lọc, cán bộ y tế thực hiện theo hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc phát triển trẻ toàn diện tại Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 06/1/2023. Trong đó thực hiện:
- Khám trẻ bệnh.
- Khám phát triển toàn diện theo độ tuổi.
- Quan sát và hỏi chuyện gia đình trong quá trình khám, xác định những thực hành tốt chưa tốt của người chăm sóc để tư vấn cải thiện.
- Hướng dẫn cách tương tác với trẻ theo độ tuổi.
- Hướng dẫn cách xử lý tình huống đối với gia đình gặp khó khăn trong chăm sóc.
Thông qua việc khám định kỳ theo độ tuổi, cán bộ y tế sẽ khám và phát hiện sớm các bất thường về phát triển thể lực, phát triển tâm lý-xã hội hoặc các bệnh tật trẻ mắc phải để có thể đưa ra những xử trí kịp thời. Đối với các trường hợp đánh giá trẻ có kết quả tốt, cán bộ y tế sẽ đưa ra các tư vấn và hướng dẫn cha mẹ cách tương tác sớm với con để kích thích phát triển toàn diện và tăng cường đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ.
Tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ trong buổi khám sức khoẻ định kỳ tại Trạm Y tế xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi
Chăm sóc sức khỏe trẻ em là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Từ nguồn hỗ trợ của dự án 7 đã tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Trong thời gian tới, tỉnh Hoà Bình sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và thực hành chăm sóc sức khoẻ, đồng thời cải thiện năng lực của các cơ sở y tế nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chăm sóc sức khoẻ trẻ em.
Thu Hương (CDC Hoà Bình)