THEO DÕI CHỈ SỐ HUYẾT ÁP ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP

Thứ ba - 13/08/2024 04:22 42 0
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình, tổng số người được phát hiện tăng huyết áp là 70.481 người; tổng số phát hiện mắc mới là 4.751 người. Tỷ lệ phát hiện trên toàn tỉnh so với ước tính số người mắc (12% dân số khoảng 111.267 người) đạt 63,3%; được quản lý tại các cơ sở y tế là 52.271 người, đạt tỷ lệ 74,2%; số người bệnh được khám cấp thuốc tháng vừa qua là 23.636 người; Số điều trị đạt mục tiêu là 17.903 người, đạt 75,7%.
Tăng huyết áp (THA) hay còn gọi là huyết áp cao được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới; là căn bệnh thường gặp ở người những người cao tuổi, người già, người béo phì, thừa cân, hay những người mắc một số những bệnh lí liên quan khác như bị bệnh tiểu đường, mỡ máu cao, hoặc đôi khi là do di truyền. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, bệnh Tăng huyết áp có xu hướng trẻ hóa.

Cán bộ trạm y tế xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn hướng dẫn người cao tuổi tự kiểm tra số đo huyết áp tại nhà
Hiện nay có nhiều máy móc, phương tiện có thể đo huyết áp như: máy đo huyết áp cơ, máy đo huyết áp điện tử, máy đo huyết áp thủy ngân, kể cả đồng hồ thông minh cũng có chức năng đo nhịp tim, huyết áp. Dù sử dụng phương tiện nào, cũng cần theo dõi huyết áp thường xuyên và đúng cách.
Hướng dẫn cách đọc chỉ số huyết áp bằng máy đo huyết áp điện tử:
Chỉ số huyết áp tâm thu: ký hiệu bằng  SYS (mmHg);
Chỉ số huyết áp tâm trương: ký hiệu bằng  DIA (mmHg);
Nhịp tim/phút: ký hiệu bằng Pulse/min.
Cách đọc chỉ số như sau:
Chỉ số huyết áp bình thường:
Huyết áp tâm thu: 90 - 139 mmHg;
Huyết áp tâm trương: 60 - 89 mmHg.
Theo định nghĩa của Bộ Y tế, huyết áp bình thường ở một người sẽ dao động trong khoảng 90/60 mmHg - 139/89 mmHg. Huyết áp sẽ tăng hoặc giảm khi vận động, tập thể dục, do thay đổi tâm lý...
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mm Hg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mm Hg
Những điều cần lưu ý khi đo huyết áp
Theo Quyết định 5904/QĐ-BYT ngày 20/12/2019 của Bộ Y tế về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý một số bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã”, để đảm bảo việc đo huyết áp cho kết quả chuẩn xác, bệnh nhân cần thực hiện các biện pháp sau:
Nghỉ ngơi trong phòng yên tĩnh ít nhất 5 - 10 phút trước khi đo huyết áp. Không dùng chất kích thích (cà phê, hút thuốc, rượu bia) trước đó 2 giờ. Không nói chuyện trong khi đo.
Tư thế đo chuẩn: người được đo huyết áp ngồi ghế tựa, chân không bắt chéo, cánh tay duỗi thẳng trên bàn, nếp khuỷu tay ngang mức với tim.
Ngoài ra, có thể đo ở các tư thế nằm, đứng. Đối với người cao tuổi hoặc có bệnh đái tháo đường, nên đo thêm huyết áp tư thế đứng nhằm xác định có hạ huyết áp tư thế hay không.
Sử dụng bao đo phù hợp: Bề dài bao đo tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay. Quấn băng đủ chặt, bờ dưới của bao đo cách nếp lằn khuỷu khoảng 2cm, và đặt máy ở vị trí ngang mức với tim.
Nên đo ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu kết quả giữa hai lần đo chênh lệch trên 10 mmHg, đo lại sau khi đã nghỉ ngơi trên 5 phút. Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của hai lần đo cuối cùng.
Ghi lại số đo theo đơn vị mmHg dưới dạng huyết áp tối đa/huyết áp tối thiểu, không làm tròn số đo (ví dụ 126/82 mmHg).
Nếu phát hiện ra bất kỳ bất thường nào sau khi đo huyết áp, hãy thông báo ngay cho bác sĩ chuyên khoa để được xử trí, can thiệp kịp thời.
Thu Hương (CDC Hoà Bình)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây