HÃY CHO TRẺ BÚ SỮA MẸ CÀNG SỚM CÀNG TỐT
soyte
2022-08-17T03:48:18-04:00
2022-08-17T03:48:18-04:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/chuong-chinh-muc-tieu/hay-cho-tre-bu-sua-me-cang-som-cang-tot-241.html
/vi/themes/egov/images/no_image.gif
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là loại thức ăn hoàn hảo để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện.
Trong sữa mẹ có chứa các chất đề kháng và dưỡng chất, các chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Đây là lý do tại sao tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu. Và một điều vô cùng quan trọng là nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện.
Bác sỹ Bùi Thị Dậu, Trưởng Khoa chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh HB cho biết: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu tất cả trẻ sơ sinh đều được bú sữa mẹ, hơn một triệu rưỡi trẻ em trên thế giới sẽ được cứu sống mỗi năm. Đó là lý do Bộ Y tế khuyên các bà mẹ nên cho con bú sữa mẹ hoàn toàn đến sáu tháng tuổi. Sau thời gian này, trẻ vẫn nên bú mẹ bên cạnh chế độ dinh dưỡng mới cho đến ít nhất hai tuổi. Vì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo có đủ các chất dinh dưỡng đáp ứng đủ nhu cầu và sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của trẻ.
Khi trẻ vừa được sinh ra, sữa mẹ là nguồn miễn dịch đầu tiên giúp trẻ chống lại bệnh tật. Sữa mẹ chứa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh tiêu chảy, hen suyễn, nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn đường hô hấp…
Khi trẻ lớn lên, các thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ cũng thay đổi để đáp ứng những nhu cầu của trẻ đang lớn. Trẻ bú sữa mẹ ít mắc phải nguy cơ béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp và tim mạch.
Nuôi con bằng sữa mẹ có liên quan đến việc tăng các chỉ số thông minh và cải thiện kết quả học tập của trẻ về sau này. Trong sữa mẹ có lượng DHA, clorin…giúp trẻ thông minh, phát triển về ngôn ngữ, vận động và khả năng nhận thức của trẻ.
Sau khi sinh song vắt chưa thấy sữa, các sản phụ đừng lo là không đủ sữa cho con: Ngay sau sinh khi mà trẻ vẫn còn nằm da kề da trên bụng mẹ thì trẻ đã có dấu hiệu đòi bú và chúng ta sẽ cho tre bú ngay .Kích cỡ dạ dày của trẻ mới sinh từ 1-2 ngày = (quả nho); 3 - 4 ngày = (quả chanh) và 10 ngày = (quả trứng gà). Vì vậy ngay sau sinh lượng sữa non chỉ cần vài giọt là đủ cho bé nên trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết nhiều sữa.
Sữa non: Là loại sữa mẹ đặc biệt, được tiết ra trong 3 ngày đầu sau đẻ. Sữa non sánh đặc, có màu vàng.
Trẻ được bú sữa non trong những bữa bú đầu tiên là rất quan trọng, đặc biệt trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Sữa non đã có sẵn trong vú ngay khi trẻ sinh ra. Không nên cho trẻ bất cứ thức ăn, nước uống nào trước khi trẻ bắt đầu bú mẹ.
Sau vài ngày (khoảng 3-4 ngày) sữa non chuyển sang sữa trưởng thành. Số lượng sữa nhiều hơn làm 2 bầu vú bà mẹ đầy, căng cứng. Người ta gọi đây là hiện tượng "xuống sữa".
Sữa đầu bữa: Là sữa được tiết ra đầu bữa bú của trẻ. Sữa đầu bữa có màu hơi xanh, số lượng nhiều và cung cấp nhiều đạm, đường, nước và các chất dinh dưỡng khác. Trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần bú mẹ là đủ, không cần uống thêm nước, ngay cả khi thời tiết nóng. Nếu cho trẻ uống nước thì trẻ sẽ giảm bú mẹ.
Sữa cuối bữa: Là sữa được tiết ra cuối bữa bú của trẻ. Bầu vú mẹ lúc này đã hết căng. Sữa cuối bữa có màu trắng vì chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa. Chất béo cung cấp nhiều năng lượng cho trẻ giúp trẻ lớn nhanh hơn,
Vì vậy để cho trẻ bú được sữa tốt nhất điều quan trọng là cần cho trẻ bú sớm trong 1giờ đầu sơ sinh để được bú sữa non, để trẻ bú đến hết sữa cuối, không để trẻ nhả vú sớm hay mẹ chuyển bên sớm quá .
Nuôi con bằng sữa mẹ giúp bảo vệ trẻ khỏi các bệnh gây ra do nguồn thức ăn không đảm bảo an toàn thực phẩm và nguồn nước nhiễm bẩn.
Chính vì những lợi ích quan trọng từ sữa mẹ như trên nên các sản phụ cần cho trẻ bú ngay trong 1 giờ đầu sau khi sinh. Việc cho bú ngay sau sinh giúp trẻ được cung cấp chất dinh dưỡng cần nhất cho trẻ mới ra đời, giúp co hồi tử cung, tránh mất máu mẹ và giúp mẹ bài tiết sữa sớm.
Không nên cho trẻ ăn những thức ăn hay đồ uống khác, đặc biệt là sữa ngoài (sữa bột) và không cho trẻ bú bình trong khi sữa chưa về. Nếu trẻ ăn các thức ăn hay đồ uống khác thay thế sữa mẹ sẽ làm mẹ giảm tiết sữa và làm cho bà mẹ không đủ sữa nuôi con, có thể trẻ cũng chọn sữa công thức mà không chịu bú mẹ .
Nếu trẻ không bú mẹ hoặc khi sữa mới về thì bầu vú có thể căng tức sữa làm cho bà mẹ cảm thấy đau. Nếu cho trẻ bú thì bầu vú sẽ bớt căng và mẹ sẽ thấy hết đau.
Tích cực cho con bú
Cho bé bú đều đặn sẽ tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, tiết ra nhiều sữa hơn và không bị mất sữa. Mẹ đừng bao giờ chờ đến khi bé khóc đòi bú mới cho bú, hãy thoải mái cho con bú mà không nhất thiết phải tuân theo giờ giấc nào cả. Mỗi lần bú, mẹ không nên giới hạn thời gian, hãy để trẻ bú đến khi nào tự ngưng thì thôi.
Tốt nhất nên cho trẻ bú luân phiên, bú hết vú bên trái nếu chưa no thì chuyển sang vú bên phải. Nếu trẻ đã no có thể dùng máy để hút sữa bên còn lại ra và cất vào tủ lạnh; khi bé đói thì hâm lại và cho vào bình để bé bú. Đợt bú sau mẹ có thể đổi lại cho bé ngậm vú bên phải trước. Bác sĩ lưu ý mẹ không nên cho trẻ sử dụng núm vú giả thường xuyên.
Đáp ứng nhu cầu năng lượng từ sữa mẹ: Trong 6 tháng đầu sau đẻ, cho bú mẹ hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng và nước cho trẻ. Từ 6 tháng tuổi, sữa mẹ không thể đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Vì vậy, tất cả trẻ từ 6 tháng tuổi ngoài sữa mẹ đều cần được ăn bổ sung. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là một nguồn năng lượng quan trọng và cung cấp các chất dinh dưỡng có chất lượng cao cho trẻ trên 6 tháng tuổi nên cần duy trì tới khi có thức ăn thay thế đầy đủ sữa mẹ.
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)