PHÒNG CHỐNG BỆNH LAO TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH COVID-19

Thứ tư - 01/06/2022 04:41 385 0
Công văn số 262/BVPTƯ-VPUBQG45 ngày 09/02/2022 về việc tăng cường hoạt động phòng chống lao và phòng chống COVID-19 tại địa phương có nêu rõ
 Chúng ta đã có chiến lược quốc gia về phòng chống bệnh lao và các chỉ tiêu giảm mắc và chết do lao đang có xu hướng tích cực nhất là những năm gần đây. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021, tử vong do bệnh Lao trên toàn cầu giảm gần 30.000 người một năm vào những năm cuối thập kỷ 90 nay đã giảm xuống dưới 10.000 người vào năm 2020, các thể lao nặng hầu như đã không còn xuất hiện trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tác động hết sức nặng nề đến thành quả chống lao, kéo lùi công cuộc chống lao chậm đi 5 năm.
Tại Việt Nam, trong những năm qua, Bệnh viện Phổi Trung ương cũng như hầu hết các Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi tại các tỉnh thành đã tham gia rất tích cực và hiệu quả chống dịch COVID-19, hầu hết các can thiệp phòng chống lao được áp dụng cho COVID-19 do có sự tương đồng giữa 2 bệnh dịch này. Chính vì vậy mà nhiều địa phương đã chuyển công năng của Bệnh viện lao và bệnh phổi sang làm nhiệm vụ điều trị COVID-19. Điều này đã có tác động không nhỏ đến hoạt động chống lao trong cả nước, cụ thể số bệnh nhân lao được phát hiện và đăng ký điều trị trên toàn quốc năm 2021 đã giảm so với năm 2020 (năm 2021 là 77.564 bệnh nhân được phát hiện so với 101.705 bệnh nhân trong năm 2020, giảm 23,7%), giảm mạnh hơn so với mức giảm chung của toàn cầu (18%). Đây là tình trạng báo động cần phải điều chỉnh vì đã làm gián đoạn, ảnh hưởng đến mạng lưới chống lao các tuyến, bệnh nhân lao không biết đến đâu để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị, làm gia tăng nguồn lây bệnh lao trong cộng đồng, tăng số người mắc và tăng tổng số tử vong do lao.
Đối với dịch bệnh COVID-19, thực tiễn cho thấy, với độ bao phủ vắc xin và thuốc kháng virus đã có như hiện nay, COVID-19 hoàn toàn có thể quản lý tại cộng đồng với việc tăng cường năng lực quản lý dịch ở cấp xã phường. Tại đây có thể thực hiện quản lý hơn 95% số ca nhiễm vì ở thể nhẹ hoặc không triệu chứng, công việc liên quan y tế cho các bệnh nhân này chỉ chiếm 20%.
Với Bệnh Lao, Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Chấm dứt bệnh lao, Chương trình chống lao quốc gia đã chỉ đạo, hướng dẫn Sở Y tế các tỉnh, thành phố củng cố hệ thống y tế phòng chống lao tại tất cả các tuyến song song với kế hoạch ứng phó COVID-19. Các địa phương tạo điều kiện nguồn nhân lực và cơ chế đảm bảo cho các bệnh viên chuyên khoa thực hiện tích cực phát hiện chủ động bệnh lao, lao kháng thuốc, lao tiềm ẩn tại cộng đồng và phát hiện tích cực tại bệnh viện theo hướng dẫn của Chương trình chống lao Quốc gia. Tuyệt đối không chuyển đổi công năng điều trị COVID-19 vượt quá 50% số giường điều trị của các bệnh viện chuyên khoa. Thực hiện mục tiêu kép vừa triển khai khám chữa bệnh thông thường, vừa tham gia điều trị, hồi sức tích cực COVID-19.
Theo báo cáo của Chương trình chống lao quốc gia, Việt Nam hiện vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Trong khi đó COVID-19 và lao đều là 2 căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Với những biểu hiện điển hình “Ho kéo dài, hụt hơi, khó thở, tức ngực,... những triệu chứng của hậu COVID-19 phổ biến cũng là những triệu chứng của bệnh lao. Đây là cơ hội để chúng ta tầm soát bệnh lao trong bối cảnh dịch bệnh” phát biểu của PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương - trong chương trình hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 2022 sáng 24-3 tại Bệnh viện Phổi trung ương, Hà Nội.
Để giảm các ca mắc và lây bệnh trong cộng đồng, từng bước Chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030, hãy chung tay thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh Lao và lưu ý một số nội dung sau:
Các dấu hiệu nghi ngờ bệnh lao:
 Người bị mắc bệnh lao phổi thường có những triệu chứng điển hình gồm:
Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu); Đau ngực, đôi khi khó thở; Ra mồ hôi trộm về đêm; Sốt nhẹ, ớn lạnh về chiều; Chán ăn, gầy sút mệt mỏi. Khi có các dấu hiệu trên, người bệnh cần đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những người có nguy cơ cao bị bệnh lao:
          Người tiếp xúc bệnh nhân lao trong hộ gia đình: Những người sống cùng hộ gia đình với bệnh nhân lao; Người tiếp xúc cộng đồng: người thân, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm tiếp xúc với bệnh nhân lao; người nhiễm HIV; người nghiện ma thuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào; người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), suy thận mạn, ung thư... Người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hoá chất điều trị ung thư,... Cần khám và sàng lọc cho người có nguy cơ cao bị bệnh lao để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.


Cán Bộ y tế tuyên truyền phòng chống bệnh lao cho người dân tại huyện Đà Bắc

Thuỳ Dung (CDC Hoà Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây