Bộ 50 câu hỏi tuyên truyền thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ

Thứ ba - 16/05/2023 03:17 147 0
Bộ 50 câu hỏi tuyên truyền thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ
Câu 1: Đề án 06 là gì?
Trả lời: Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Đề án này được gọi tắt là Đề án 06.
Câu 2: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là gì?
Trả lời: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam (gồm 18 trường thông tin) được số hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin (do Bộ Công an quản lý) để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Câu 3. Nhiệm vụ của Tổ công tác Đề án 06 thôn, tổ dân phố?
Trả lời: Tổ công tác Đề án 06 thôn, tổ dân phố có các nhiệm vụ sau:
1. Phối hợp huy động nguồn lực phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn mình phụ trách, quản lý;
2. Phối hợp tuyên truyền các nội dung và lợi ích của Đề án 06;
3. Vận động người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đăng ký định danh và xác thực điện tử;
4. Phối hợp cùng Công an xã, thị trấn thực hiện làm sạch dữ liệu dân cư.
Câu 4: Nhóm tiện ích của Đề án 06 gồm những gì?
Trả lời: 5 nhóm tiện ích của Đề án 06 gồm:
- Một là, nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến;
- Hai là, nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội;
- Ba là, nhóm tiện ích phục vụ công dân số;
- Bốn là, hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư;
- Năm là, phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Câu 5: 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu triển khai theo Đề án 06 gồm những gì?
Trả lời: 25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai theo Đề án 06 gồm:
(1) Xác nhận số Chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ Căn cước công dân;
(2) Cấp lại, đổi thẻ căn cước công dân;
(3) Đăng ký thường trú;
(4) Đăng ký tạm trú;
(5) Khai báo tạm vắng;
(6) Thông báo lưu trú;
(7) Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy;
(8) Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội);
(9) Đăng ký khai sinh;
(10) Đăng ký khai tử;
(11) Đăng ký kết hôn;
(12) Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông;
(13) Thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu;
(14) Thủ tục làm con dấu thu nhỏ, dấu nổi, dấu xi và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu con dấu;
(15) Liên thông đăng ký khai sinh đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi;
(16) Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí;
(17) Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình;
(18) Đăng ký thuế lần đầu, đăng ký thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân;
(19) Đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ);
(20) Cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe;
(21) Đăng kí dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng;
(22) Cấp phiếu lý lịch tư pháp;
(23) Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp;
(24) Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V);
(25) Thay đổi chủ thể hợp đồng mua bán điện.
Câu 6: Điều kiện và cách thức tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến?
Trả lời: Điều kiện để đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến gồm:
- Có thiết bị máy vi tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng có kết nối Internet;
- Có thuê bao di động chính chủ;
- Thông tin khai báo phải khớp với thông tin chứng minh nhân dân/căn cước công dân đăng ký với nhà mạng di động.
Sau khi đảm bảo các điều kiện trên, để tạo tài khoản dịch vụ công trực tuyến công dân cần thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công Quốc gia tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn tại giao diện trang chủ, nhấn chọn vào nút “Đăng ký” ở góc trên bên phải màn hình.
- Bước 2: Chọn phương thức đăng lý là “Công dân” và xác minh qua “Thuê bao di động”.
- Bước 3: Tại giao diện “Đăng ký”, điền đầy đủ thông tin đăng ký tài khoản; nhập mã xác thực cho sẵn ở bên cạnh rồi nhất nút “Đăng ký”.
- Bước 4: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại di động rồi nhấn “Xác nhận”.
- Bước 5: Cuối cùng, nhập mật khẩu tài khoản rồi nhấn “Đăng ký”.
Sau khi đăng ký thành công, công dân sẽ nhận được thông báo “Chúc mừng bạn đã đăng ký thành công”.
Câu 7: Thẻ căn cước công dân là gì?
Trả lời: Thẻ Căn cước công dân được hiểu một cách đơn giản là một loại giấy tờ tùy thân chính của công dân Việt Nam, trong đó phải ghi rõ và có đầy đủ thông tin cá nhân của công dân.
Câu 8: Thẻ căn cước công dân gắn chíp là gì?
Trả lời:Thẻ căn cước công dân gắn chip đóng vai trò như một thiết bị dùng để nhận diện, xác thực danh tính của cá nhân và có thể dùng để truy cập tra cứu thông tin của công dân chủ sở hữu trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay thẻ căn cước điện tử đã được tích hợp thêm nhiều dịch vụ tiện ích về bảo hiểm, ngân hàng, bằng lái xe, sổ hộ khẩu và nhiều giấy tờ cá nhân quan trọng khác giúp công dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng, chính xác và hiệu quả.
Câu 9: Những ưu điểm khi sử dụng thẻ căn cước điện tử là gì?
Trả lời: Thẻ căn cước điện tử đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng vì có nhiều tính năng ưu việt và mang lại sự thuận tiện cho công dân khi sử dụng. Dưới đây là một vài ưu điểm của thẻ căn cước điện tử mang lại:
- Độ bền cao: Thẻ e-ID được làm hoàn toàn bằng chất liệu nhựa cứng rất bền khó bị biến dạng.
- Độ bảo mật cao: Các thông tin cá nhân quan trọng được lưu trữ hoàn toàn trong chíp điện tử và chỉ có thiết bị chuyên dụng mới có thể lấy/xem được thông tin trong chíp, do đó dù có bị mất thẻ thì thông tin quan trọng của công dân cũng sẽ không bị kẻ xấu lợi dụng.
- Lưu trữ lượng thông tin lớn: Chíp điện tử có thể lưu trữ thông tin dung lượng lớn vì vậy có thể linh hoạt, mở rộng thêm thông tin hoặc tích hợp thêm các dịch vụ tiện ích cho công dân trong tương lai.
- Phòng tránh giả mạo giấy tờ: Thẻ e-ID có thể tích hợp các giấy tờ cá nhân quan trọng, vì vậy khi thực hiện giao dịch hoặc làm các thủ tục hành chính người dân chỉ cần mang theo thẻ căn cước điện tử từ đó giúp hạn chế giấy tờ giả mạo, tiết kiệm thời gian và chi phí xử lý nghiệp vụ.
- Chìa khóa thực hiện các giao dịch trực tuyến: Với thẻ căn cước điện tử việc đăng ký, sử dụng Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện các giao dịch trực tuyến với Chính phủ điện tử sẽ trở nên dễ dàng và thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó việc xác thực danh tính cá nhân khi có thẻ e-ID có thể được thực hiện mà không bắt buộc cần phải có đường truyền internet.
Câu 10: Có bắt buộc đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip?
Trả lời: Căn cứ theo Thông tư số 06/2021/TT-BCA ban hành ngày 23/1/2021 của Bộ Công an quy định về mẫu thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip thì đối tượng áp dụng là công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.
Mặt khác, tại Khoản 2, Điều 4, Thông tư số 06/2021/TT-BCA quy định thẻ CCCD đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ CCCD gắn chíp theo quy định.
Như vậy, trường hợp công dân bắt buộc phải đổi là trường hợp có CMND 9 số, CMND 12 số và CCCD mã vạch hết hạn, hỏng mới nằm trong diện bắt buộc phải đổi sang CCCD mới.
Câu 11: Số thẻ căn cước công dân gắn chip có thay đổi không?
Trả lời: Đối với công dân đã có CCCD mã vạch 12 số được cấp theo quy định tại Điều 13 Nghị định 137/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Căn cước công dân 2014 khi đổi sang thẻ căn cước điện tử thì số thẻ CCCD gắn chip 12 số sẽ vẫn được giữ nguyên.
Còn đối với trường hợp người dân đổi từ CMND 09 số được cấp theo Quyết định 998/2001/QĐ-BCA(C11) ngày 10/10/2001 sang thẻ CCCD có gắn chip thì sẽ được cấp số thẻ CCCD mới có 12 số cũng chính là dãy mã số định danh cá nhân của công dân.
Trong trường hợp này, cơ quan Công an nơi cấp thẻ CCCD gắn chip cho công dân sẽ đồng thời cấp một giấy xác nhận về việc thay đổi số CMND để người dân có thể thực hiện các giao dịch mới có liên quan đến số CMND cũ (9 số) vẫn có thể được thực hiện bình thường và không bị ảnh hưởng.
Câu 12: Có bị lộ thông tin khi mất thẻ căn cước công dân gắn chip không?
Trả lời: Thẻ CCCD gắn chip chứa rất nhiều dữ liệu thông tin quan trọng về chủ thẻ, trong trường hợp mất thẻ căn cước điện tử người dân hoàn toàn có thể yên tâm bởi mức độ bảo mật của chíp rất cao.
Thẻ e-ID có thể nằm trong cơ sở hạ tầng khóa công khai (PKI), lưu trữ chứng nhận điện tử được mã hóa do nhà cung cấp PKI phát hành. Chỉ có những thiết bị đặc biệt của Cơ quan nhà nước mới có thể quét và nhận diện thông tin.
Tuy nhiên, người dân cần hạn chế hoặc “không” chia sẻ hình ảnh thẻ căn cước điện tử trên không gian mạng để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Như vậy, công dân sẽ không bị lộ thông tin lưu trữ trong chip điện tử trong trường hợp thẻ CCCD bị mất.
Câu 13: Giấy tờ nào bắt buộc phải đổi sau khi đổi CCCD gắn chip?
Trả lời: Các giấy tờ sau đây bắt buộc phải đổi sau khi đổi CCCD gắn chip:
- Hộ chiếu;
- Tài khoản ngân hàng;
- Giấy tờ nhà, sổ đỏ, sổ hồng;
- Thông báo với cơ quan thuế;
- Sổ bảo hiểm xã hội.
Câu 14: Công dân có thể làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp là ở đâu?
Trả lời: Công dân có thể làm thủ tục cấp thẻ CCCD gắn chíp tại:
- Cơ quan quản lý CCCD Công an cấp huyện và đơn vị hành chính tương đương tiếp nhận hồ sơ giải quyết các trường hợp cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân có nơi đăng ký thường trú tại địa phương đó.
- Cơ quan quản lý CCCD Công an cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân có nơi đăng ký thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó; các trường hợp đổi thẻ Căn cước công dân theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 23 Luật căn cước công dân và cấp lại thẻ CCCD đối với công dân có nơi đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.
- Cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ Căn cước công dân khi công dân có yêu cầu và các trường hợp đặc biệt khác do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước công dân Bộ Công an quyết định.
Câu 15. Tôi muốn làm thẻ Căn cước công dân gắn chíp thì cần phải làm như thế nào?
Trả lời: Căn cứ Điều 10, Thông tư số 59/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của Bộ Công an, quy định:
1. Công dân trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
2. Trường hợp công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trường hợp thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân; hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan Công an nơi công dân đề nghị. Trường hợp công dân kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nếu thông tin của công dân chưa có hoặc có sai sót thì công dân mang theo giấy tờ hợp pháp để chứng minh nội dung thông tin khi đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.
Câu 16: Thủ tục đổi CMND, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp?
Trả lời: Thủ tục đổi CMND, CCCD mã vạch sang CCCD gắn chíp gồm các bước sau:
- Bước 1: Điền vào tờ khai căn cước công dân;
- Bước 2: Xuất trình CMND/CCCD mã vạch cũ và làm theo hướng dẫn;
- Bước 3: Công dân đóng lệ phí cấp CCCD theo quy định;
- Bước 4 : Cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD gắn chip;
Câu 17: Ý nghĩa 12 con số trên thẻ CCCD gắn chip là gì?
Trả lời:
03 chữ số đầu tiên là mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh;
01 chữ số tiếp theo là mã giới tính của công dân;
02 chữ số tiếp theo là mã năm sinh của công dân;
06 chữ số cuối là khoảng số ngẫu nhiên.
Câu 18: Cách kiểm tra xem thẻ CCCD gắn chíp đã làm xong chưa?
Trả lời: Công dân có thể gọi điện đến số hotline 1900.0368 - tổng đài tra cứu CCCD của Bộ Công an để kiểm tra xem thẻ CCCD gắn chip đã làm xong chưa.
Câu 19: Căn cước công dân gắn chíp bị sai nên làm gì?
Trả lời: Căn cước công dân gắn chip bị sai bạn hãy đến cơ quan công an để làm thủ tục đổi và cấp lại.
Câu 21: Khi làm xong thẻ CCCD gắn chíp, thẻ CMND, CCCD cũ có sử dụng được không?
Trả lời:
Nếu CMND, CCCD cũ của bạn còn rõ số, chữ và hình ảnh thì khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip sẽ không bị cắt góc và được giữ lại CMND cũ, bạn hoàn toàn có thể sử dụng giấy tờ này bình thường trong các giao dịch, thủ tục hành chính cho đến khi được cấp CCCD gắn chíp mới. Trừ trường hợp bạn yêu cầu chuyển phát CCCD gắn chíp tận nơi thì khi tiếp nhận hồ sơ, CMND cũ sẽ bị cắt góc.
Nếu CMND, CCCD của bạn bị hỏng, bong tróc, không rõ nét thì khi làm thủ tục cấp CCCD gắn chip thì CMND cũ của bạn sẽ bị giữ lại để tiêu hủy, bạn sẽ phải chờ cấp CCCD gắn chip xong mới có thể dùng để giao dịch, làm thủ tục hành chính.
Câu 22:Mã số định danh cá nhân là gi?
Trả lời: Mã định danh cá nhân chính là số Căn cước công dân của chính công dân đó. Mã định danh do Bộ Công an cấp, gắn liền với cá nhân từ khi cá nhân đó sinh ra cho đến khi chết đi, không thay đổi và không trùng lặp với bất cứ người nào khác.
Câu 23: Thủ tục xin cấp mã số định danh cá nhân?
Trả lời: Thủ tục xin cấp mã số định danh cá nhân được quy định tại Thông tư số 59/2021/TT-BCA quy định chi tiết về Luật Căn cước công dân. Theo khoản 2 Điều 5 của Thông tư này:
- Khi công dân có yêu cầu được thông báo cấp số định danh cá nhân và thông tin trong cơ sở dữ liệu của quốc gia về dân cư, thì công dân hoặc người đại diện hợp pháp của công dân đó chỉ cần yêu cầu Công an cấp xã nơi công dân đó đăng ký thường trú cấp văn bản thông báo.
- Cụ thể, công dân có văn bản yêu cầu cần nêu rõ mục đích, nội dung thông tin cần cung cấp; xuất trình thẻ căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân để cơ quan công an kiểm tra, xác định rõ đúng người đề nghị cung cấp thông tin mã định danh.
Câu 24: Mã định danh có tác dụng gì?
Trả lời: Mã định danh ngoài tác dụng cung cấp các thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia, nó còn có những tác dụng vô cùng tiện lợi khác như:
- Tra cứu thông tin Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư: Các thông tin của công dân từ khi sinh ra sẽ được Bộ Công an thu thập cũng như cập nhật liên tục và được chuyển về hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành kiểm tra thông tin từ hệ thống này trong những trường hợp cần thiết.
- Mã định danh thay thế cho mã số thuế cá nhân: Điều này được quy định tại Điều 35 Luật Quản lý thuế năm 2019, công dân sau khi được cấp mã số định danh sẽ sử dụng mã số này thay thế cho mã số thuế cá nhân có sẵn.
- Thay thế cho giấy tờ tùy thân khác khi thực hiện giao dịch mua bán nhà đất: Là công dân Việt Nam khi được cấp mã số định danh thì được sử dụng mã số định danh này thay thế cho các loại giấy tờ tùy thân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, và các loại giấy tờ được chứng thực khác để thực hiện giao dịch thuộc lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhà đất.
Câu 25: Cách tra cứu mã định danh cá nhân như thế nào?
Trả lời:
- Tra cứu mã định danh cá nhân trên Căn cước công dân: Đối với những cá nhân đã có căn cước công dân thì mã số định danh cá nhân chính là dãy số gồm 12 số trên thẻ Căn cước công dân. Đối với trường hợp này công dân dễ dàng có thể tra cứu được mã số định danh cá nhân của bản thân và người thân trong gia đình trên 15 tuổi.
- Tra cứu mã định danh trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú: Đối với những cá nhân chưa có căn cước công dân thì cá nhân đó có thể tra cứu xem mã định danh cá nhân của mình trên Cổng dịch vụ công quản lý cư trú của Bộ Công an đã triển khai. Chỉ với một vài thao tác đơn giản công dân đã có thể biết được mã định danh cá nhân của mình mặc dù chưa có Căn cước công dân gắn chip. Cách tìm kiếm mã định danh cá nhân online:
+ Bước 1: Truy cập vào Cổng dịch vụ công quản lý cư trú trên Internet, xong chọn Đăng nhập;
+ Bước 2: Đăng nhập cổng bằng tài tài khoản dịch vụ công quốc gia của bạn;
+ Bước 3: Chọn biểu tượng LƯU TRÚ có tại trang chủ để tiến hành tra cứu mã định danh cá nhân của chính mình.
Câu 26: Tài khoản định danh điện tử là gì?
Trả lời:
Căn cứ Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh thì: Tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID do Bộ Công an phát triển.
Câu 27: Tài khoản định danh điện tử được sử dụng như thế nào?
Trả lời:
Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế... Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo.
Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện và nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
Câu 28: Tài khoản định danh điện tử có những mức độ nào?
Trả lời: Mức độ của tài khoản định danh điện tử gồm:
- Mức độ 1: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của công dân kê khai đã được so sánh, đối chiếu tự động trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Với tài khoản mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản như: phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng,…), giải quyết dịch vụ công trực tuyến (thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng,…).
- Mức độ 2: Tài khoản được tạo lập trong trường hợp thông tin của cá nhân kê khai đã được xác minh bằng ảnh chân dung hoặc vân tay trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân hoặc Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Với tài khoản mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng định danh điện tử quốc gia cung cấp như: đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...), thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền ...
Câu 29: Có thể đăng ký tài khoản định danh điện tử ở đâu?
Trả lời: Tùy theo nhu cầu và điều kiện của công dân để lựa chọn một trong các hình thức sau:
- Đến trực tiếp cơ quan công an các cấp (Thành phố, huyện, xã/thị trấn) để được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản định danh điện tử Mức 2 (Công dân có thể sử dụng Ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia để thực hiện đặt lịch hẹn làm thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử trước khi đến Cơ quan công an).
- Thực hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử Mức 1 trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia.
Câu 30: Điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử là gì?
Trả lời: Căn cứ Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg ngày 08/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ Quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, thì điều kiện để đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử là:
- Đối với cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.
- Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
- Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.
- Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm:
+ Số định danh cá nhân, số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài).
+ Họ, tên đệm và tên.
+ Ngày, tháng, năm sinh.
+ Giới tính.
+ Quốc tịch (đối với người nước ngoài).
+ Số điện thoại, email.
Câu 31: Cần thiết bị như thế nào để có thể sử dụng được tài khoản định danh điện tử?
Trả lời: Tính đến hiện tại thì ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia yêu cầu thiết bị di động của công dân sử dụng hệ điều hành Android 5 hoặc IOS 9 trở lên. Ngoài ra khuyến khích nên sử dụng thiết bị có camera tốt, cấu hình thiết bị từ trung bình trở lên và đảm bảo kết nối internet để có trải nghiệm tốt nhất trong quá trình sử dụng ứng dụng.
Câu 32: Định danh và xác thực điện tử là gì?
Trả lời: Căn cứ theo khoản 3, khoản 8 Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP quy định như sau:
- “Định danh điện tử” là hoạt động đăng ký, đối soát, tạo lập và gắn danh tính điện tử với chủ thể danh tính điện tử.
- “Xác thực điện tử” là hoạt động xác nhận, khẳng định thông tin gắn với chủ thể danh tính điện tử thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin của chủ thể danh tính điện tử đó trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh, Cơ sở dữ liệu khác và hệ thống định danh và xác thực điện tử hoặc xác thực tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử để khẳng định giá trị sử dụng của tài khoản định danh điện tử đó.
Câu 33: Việc định danh và xác thực điện tử được thực hiện dựa trên những nguyên tắc nào?
Trả lời: Nguyên tắc định danh và xác thực điện tử quy định tại Điều 4 Nghị định 59/2022/NĐ-CP như sau:
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
2. Bảo đảm tính chính xác, duy nhất trong định danh và xác thực điện tử; công khai, minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.
3. Bảo đảm an ninh, an toàn thiết bị, bảo mật dữ liệu khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng danh tính điện tử phải bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử và tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
5. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về định danh và xác thực điện tử phải được phát hiện, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
6. Bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Câu 34: Khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử được quy định như thế nào?
Trả lời: Khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định 59/2022/NĐ-CP như sau:
1. Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua Nền tảng định danh và xác thực điện tử.
2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng VNeID, trang thông tin định danh điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn.
3. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử (trừ thông tin sinh trắc học) và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với cá nhân, tổ chức khác qua ứng dụng VNeID.
Câu 35. Ứng dụng định danh điện tử quốc gia là gì?
Trả lời: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia VNeID là phần mềm do Bộ Công an tạo lập phục vụ đăng ký, quản lý định danh và xác thực điện tử.
Câu 36: Có thể tải và cài đặt ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) ở đâu?
Trả lời: Ứng dụng định danh điện tử Quốc gia (VNeID) có thể được tải về thông qua kho ứng dụng CH play đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android và App Store đối với các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS.
Câu 37: Điều kiện, cách thức đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID?
Trả lời: Điều kiện đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID:
- Có điện thoại thông minh kết nối Internet (điện thoại có tính năng quét NFC);
- Có thuê bao di động chính chủ;
- Có căn cước công dân gắn chíp điện tử.
Sau khi đáp ứng đủ các điều kiện trên, công dân tải ứng dụng VNeID về điện thoại, sau đó thực hiện theo các bước để đăng ký tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VNeID:
- Bước 1: Mở ứng dụng VNeID trên điện thoại di động; tại giao diện trang chủ, nhấn chọn nút “Đăng ký” ở góc phía bưới bên phải màn hình.
- Bước 2: Nhập số định danh cá nhân, số điện thoại và nhấn nút “Đăng ký”; quét QRcode trên thẻ căn cước công dân để cập nhật thông tin cá nhân;trường hợp không quét được QRcode trên căn cước công dân thì nhấn vào hàng chữ “Không quét được QRcode”; sau đó ứng dụng hiển thị cửa sổ yêu cầu nhập thủ công thông tin cá nhân, điền đầy đủ thông tin cá nhân và tiếp tục nhấn nút “Đăng ký”.
- Bước 3: Nhập mã xác thực OTP được gửi về số điện thoại; thiết lập mật khẩu cho Tài khoản định danh điện tử.
- Bước 4: Đăng nhập tài khoản để thực hiện xác thực thông tin. Chọn “Đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1” và chọn nút “Bắt đầu”.
- Bước 5: Đọc thông tin từ chíp điện tử của căn cước công dân bằng cách đưa căn cước công dân vào mặt sau điện thoại; quét nhận diện khuôn mặt bằng camera trước của điện thoại
- Xác thực thành công: Sau khi đăng ký thành công, sẽ nhận được thông báo. Ứng dụng cần thời gian để xác thực thông tin và cho phép sử dụng tiện ích Định danh điện tử mức 1.
Câu 38: Tôi bị mất điện thoại đang sử dụng tài khoản định danh điện tử quốc gia thì tôi cần làm gì?
Trả lời: Trong trường hợp mất thiết bị đang sử dụng tài khoản định danh điện tử, công dân có thể thực hiện yêu cầu khóa tạm thời tài khoản để đảm bảo an toàn cho dữ liệu cá nhân của mình theo một trong hai cách sau:
- Cách 1: Yêu cầu khóa tài khoản trên trang thông tin Định danh điện tử Quốc gia.
- Cách 2: Liên hệ cơ quan công an để được hỗ trợ khóa tạm thời tài khoản.
Câu 39: Tôi có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị cùng lúc không?
Trả lời: Theo quy định thì tài khoản định danh điện tử của công dân chỉ có thể đăng nhập trên một thiết bị duy nhất tại một thời điểm, nên công dân không thể sử dụng tài khoản định danh điện tử trên nhiều thiết bị khác nhau cùng thời điểm.
Câu 40: Tôi cần chú ý điều gì nếu muốn sử dụng xác thực bằng vân tay/nhận dạng khuôn mặt cho ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID)?
Trả lời:
Công dân cần nhập mật khẩu của tài khoản định danh điện tử vào lần đăng nhập đầu tiên trên thiết bị, từ những lần sau công dân có thể sử dụng vân tay/ảnh mặt để xác thực thay thế mật khẩu đăng nhập bằng cách thiết lập trong ứng dụng. Khi sử dụng các dịch vụ trong ứng dụng, công dân sẽ phải thực hiện xác thực bổ sung bằng vân tay/ảnh mặt và mã passcode (chỉ công dân mới biết).
Mật khẩu của tài khoản của công dân được yêu cầu đặt có chữ hoa, chữ thường, số, ký tự đặc biệt (độ dài tối thiểu 8 ký tự); được yêu cầu thay đổi định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần).
Công dân cần đảm bảo thiết bị chỉ có vân tay/khuôn mặt của mình. Trường hợp có vân tay/khuôn mặt của người khác trên thiết bị đó thì nên sử dụng mật khẩu để đăng nhập và cần nhớ đăng xuất ứng dụng khi không sử dụng.
Câu 41: Các ứng dụng độc hại vô tình được cài trên điện thoại của tôi, thì dữ liệu cá nhân của tôi được hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có thể bị truy cập bất hợp pháp không?
Trả lời:
Các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID của công dân nên các ứng dụng lạ khó có thể truy cập vào thiết bị để lấy cắp thông tin. Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng và công dân hoàn toàn biết được chính xác việc xuất trình để hiển thị thông tin cho đối tượng khác (nếu cần). Việc xuất trình (hiển thị) thông tin tương tự như xuất trình các loại giấy tờ và thẻ cứng vật lý.
Khi cán bộ chức năng có yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải “cho phép” tức là cấp quyền kiểm tra thì cán bộ chức năng mới có thể xem được thông tin trong phạm vi được phép.
Khi bên thứ 3 (bên cung cấp dịch vụ như ngân hàng, ví điện tử…; y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công…) có nhu cầu sử dụng dữ liệu của công dân trong dịch vụ của mình thì cũng phải được sự đồng ý của công dân. Tùy vào yêu cầu về mức độ xác thực và bảo mật của bên thứ 3, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ), và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật.
Tuy nhiên để đảm bảo an toàn trước các đối tượng tội phạm công nghệ cao thì công dân không cài các ứng dụng lạ, độc hại, không chia sẻ thông tin tài khoản của mình cũng như chú ý đến việc bảo mật cho thiết bị của mình đang sử dụng ứng dụng định danh điện tử.
Câu 42: Trong suốt quá trình giao dịch, dữ liệu cá nhân của tôi có được đảm bảo an toàn không?
Trả lời: Bộ Công an đã áp dụng nhiều giải pháp bảo mật và luôn cập nhật thường xuyên cho hệ thống định danh điện tử Quốc gia để đảm bảo an toàn dữ liệu cho công dân. Các dữ liệu trong suốt quá trình giao dịch được được bảo vệ qua nhiều lớp bảo mật và mã hóa bằng các thuật toán tiên tiến. Do đó, công dân có thể yên tâm thực hiện giao dịch và sử dụng các tính năng khác trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) đảm bảo an toàn bảo mật thông tin.
Câu 43: Ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) có những tính năng nào?
Trả lời: Có rất nhiều tính năng sẽ được Bộ Công an cung cấp đến người dân thông qua ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia. Nổi bật trong đó là:
- Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
- Công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử.
- Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
- Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền...). Tất cả quy trình thực hiện giao dịch công dân có thể chủ động kiểm soát hoàn toàn, công dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.
Câu 44: Khi tôi muốn sử dụng tài khoản định danh điện tử trên thiết bị mới, tôi phải làm gì?
Trả lời: Khi tài khoản định danh điện tử của công dân đăng nhập vào thiết bị mới, hệ thống sẽ có cảnh báo và gửi mã xác thực về thiết bị cũ của công dân, công dân nhập mã này trên thiết bị mới để thực hiện xác thực đảm bảo chính xác là công dân đang có nhu cầu truy cập trên thiết bị mới. Sau khi hoàn tất thủ tục đăng nhập trên thiết bị mới thì tài khoản sẽ tự động đăng xuất trên thiết bị cũ của công dân.
Câu 45: Tôi quên mật khẩu đăng nhập, tôi phải làm gì để có thể đặt lại được mật khẩu?
Trả lời: Trên ứng dụng Định danh điện tử Quốc gia hỗ trợ công dân chức năng để thiết lập lại mật khẩu theo nhiều hình thức như qua SMS OTP, E-mail, Câu hỏi bảo mật.
Câu 46: Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử tôi thì tôi cần chú ý điều gì?
Trả lời: Để đảm bảo an toàn cho tài khoản định danh điện tử của mình công dân cần chú ý:
- Không chia sẻ thông tin tài khoản cho người khác.
- Đăng xuất tài khoản khi cho người khác mượn thiết bị.
- Luôn cập nhật các thông tin về ứng dụng để nắm được các tin tức - thông báo mới nhất về các hướng dẫn an toàn thông tin.
Câu 47: Hạn sử dụng của tài khoản định danh điện tử là bao nhiêu?
Trả lời: Định danh điện tử có cùng thời hạn với thẻ căn cước công dân gắn chíp.
Câu 48: Các loại giấy tờ mà tôi cung cấp có cần lưu 1 bản tại cơ quan công an không? Nếu có thì bản đó có cần công chứng không?
Trả lời: Không. Từ hệ thống sẽ in phiếu đăng ký trong đó bao gồm các thông tin tích hợp để công dân ký chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin.
Câu 49: Lệ phí đăng ký định danh điện tử là bao nhiêu?
Trả lời: Miễn phí toàn bộ chi phí thực hiện đăng ký định danh điện tử.
Câu 50: Một số điện thoại có thể sử dụng đăng ký định danh điện tử cho nhiều người được không?
Trả lời: Không. Một số điện thoại duy nhất chỉ được đăng ký cho một cá nhân theo số căn cước công dân để xác thực OTP.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây