Đại diện nhóm, em Bùi Minh Châu chia sẻ: "Vui học tiếng Anh cùng thỏ con” là phần mềm thực hành từ vựng và mẫu câu tiếng Anh cho phép người dùng học trên máy tính mọi lúc, mọi nơi không cần tới mạng internet, không cần sách giáo khoa hay tài liệu giấy. Sở dĩ chúng em có ý tưởng tạo ra sản phẩm này vì trong quá trình học môn tin học được tiếp cận một công cụ lập trình cho trẻ em, đó là lập trình Scratch 3.0. Chúng em đã thực sự hứng thú, từ đó nảy ra ý tưởng tạo một phần mềm mang tới sự lôi cuốn, lý thú cho việc học từ vựng và thực hành mẫu câu tiếng Anh, qua đó giúp củng cố, ghi nhớ kiến thức nhanh hơn, lâu hơn. Chúng em mong muốn khi sử dụng phần mềm này các bạn học sinh sẽ hứng thú hơn trong việc học từ vựng và thực hành các mẫu câu tiếng Anh.
Cô giáo Bùi Thị Thanh Định đã đồng hành cùng các học trò nên hiểu những khó khăn các em đã vượt qua để tạo được sản phẩm cuối cùng dự thi. Theo cô, điều đáng ghi nhận không phải là thành tích đạt được ở một sân chơi trí tuệ tầm vóc toàn quốc, mà là sự hứng thú, say mê của các em khi cùng nhau tạo ra phần mềm trong điều kiện vừa hạn chế về thời gian vừa thiếu trang thiết bị. Cô cho biết, sản phẩm hoàn toàn có thể được đưa vào các tiết chính khóa môn tin học, các tiết ngoại khóa tiếng Anh nhằm giúp học sinh thư giãn, luyện tập tư duy logic, không còn cảm thấy tin học và tiếng Anh là hai bộ môn khó. Đặc biệt, phần mềm càng có ý nghĩa vì giúp học sinh vùng khó khăn có thêm cơ hội được tiếp cận với ngôn ngữ lập trình mới và ngoại ngữ mới ngay từ cấp tiểu học.
Được biết, ngoài thành tích của cô Định và nhóm học trò trường TH&THCS Tân Lập, ngành GD&ĐT tỉnh vài năm trở lại đây đã gặt hái được những thành tích đáng tự hào, khi có những đại diện xuất sắc tham gia các sân chơi lớn về khoa học và công nghệ. Đó là những điểm sáng nổi bật trong hành trình khắc phục khó khăn để thực hiện chuyển đổi số ngành GD&ĐT.
Những năm qua, tuy trang thiết bị về công nghệ thông tin (CNTT) còn thiếu, không đồng bộ nhưng toàn ngành GD&ĐT đã nỗ lực phối hợp các đơn vị liên quan, chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc dạy học tin học, khoa học máy tính và ứng dụng có hiệu quả CNTT trong giáo dục. 100% cơ sở giáo dục đã được kết nối mạng internet phục vụ công tác quản lý, dạy học. 100% cơ sở giáo dục ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Cơ sở dữ liệu giáo dục đã phát huy hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Đáng ghi nhận, việc dạy học lập trình và khoa học máy tính đã được triển khai từ cấp mầm non đến phổ thông. Các trường mầm non triển khai dạy học lập trình Scracth Junior cho trẻ 4, 5 tuổi. Hiện, toàn ngành có 1.000 điện thoại thông minh luân chuyển giữa các trường để thực hiện dạy lập trình cho trẻ; khoảng 1.000 giáo viên mầm non được tập huấn về phương pháp, kỹ năng dạy học lập trình cho trẻ.
Kết quả dạy học lập trình và khoa học máy tính đối với giáo dục tiểu học cũng đáng ghi nhận. Học sinh lớp 1, 2 được dạy lập trình Scratch Junior; lớp 3, 4, 5 ngoài việc dạy học môn tin học theo chương trình phổ thông hiện hành, ngành triển khai ngoại khóa lập trình Scratch. Toàn tỉnh có trên 200 giáo viên tin học, đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn hàng năm đáp ứng yêu cầu. Đối với giáo dục THCS, ngoài dạy môn tin học theo chương trình hiện hành, ngành tổ chức ngoại khóa khoa học máy tính, lập trình Makecode kết hợp với mạch vi điều khiển Micro:Bit các cảm biến và một số vi mạch khác, đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu. Đối với giáo dục THPT, ngoài dạy môn tin học, ngành tổ chức dạy học ngoại khóa khoa học máy tính, lập trình Python kết hợp với các mạch vi điều khiển Arduino và máy tính nhúng Raspberry-Pi, các cảm biến và vi mạch khác.
Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở GD&ĐT, nhu cầu máy tính phục vụ dạy học tin học, khoa học máy tính và STEM trong các nhà trường hiện nay rất cao, toàn ngành cần bổ sung trên 12.000 bộ mới đáp ứng yêu cầu dạy học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Để triển khai dạy học trực tuyến cho học sinh cũng gặp nhiều khó khăn, với khoảng 45,47% học sinh không có thiết bị để học trực tuyến... Trên thực tế, trang thiết bị về CNTT, nhất là máy tính và thiết bị trình chiếu vừa thiếu vừa không đồng bộ, khiến hành trình thực hiện chuyển đổi số của ngành GD&ĐT gặp nhiều khó khăn.