TẦM QUAN TRỌNG CỦA VITAMIN D ĐỐI VỚI TRẺ

Thứ hai - 26/06/2023 04:31 264 0
Thiếu vitamin D gây bệnh còi xương ở trẻ em (thường gặp dưới 2 tuổi). Trẻ bị còi xương do thiếu vitamin D ảnh hưởng khá nặng tới sức khỏe lâu dài và vĩnh viễn: chậm phát triển xương, vận động, di chứng phát triển xương, răng, là yếu tố góp phần gây chậm phát triển chiều cao... Bệnh còi xương do thiếu vitamin D gọi là còi xương dinh dưỡng.


Nguyên nhân của bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Thiếu ánh sáng mặt trời: Nhà ở chật chội, tập quán kiêng khem trẻ không được tắm nắng. Trẻ sinh vào mùa đông cường độ ánh sáng mặt trời giảm, vùng núi cao nhiều sương mù, vùng công nghiệp nhiều bụi…
Chế độ ăn: Trẻ ăn bột quá nhiều, ăn thực phẩm nghèo canxi, vitamin D và một số vitamin, khoáng chất khác, ăn ít dầu mỡ nên không hấp thu được vitamin D. Chế độ ăn thiếu vitamin D và không được uống phòng vitamin D...
Các yếu tố nguy cơ: bệnh còi xương hay gặp nhất ở trẻ (dưới 1 tuổi là tuổi mà hệ xương phát triển mạnh nhất). Trẻ đẻ non, đẻ thấp cân hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn hệ tiêu hóa kéo dài gây kém hấp thu, tắc mật, viêm gan; Mẹ bị thiếu vitamin D trong thời kỳ có thai và cho con bú…
Triệu chứng lâm sàng
Các biểu hiện ở hệ thần kinh là các triệu chứng xuất hiện sớm. Trẻ quấy khóc đêm (khóc dạ đề), hay giật mình. Ra nhiều mồ hôi (đặc biệt lúc ngủ trời mát vẫn có). Do 2 hiện tượng trên nên trẻ dễ bị rụng tóc gáy (dấu hiệu rụng tóc “hình vành khăn” rụng tóc “chiếu liếm” (hói gáy), với nhiều mức độ rụng ít hoặc nhiều).
Đối với còi xương cấp có thể gặp các biểu hiện của hạ canxi máu: Tiếng thở rít thanh quản, cơn khóc lặng, hay nôn nấc khi ăn. Còi xương nặng có thể biếng ăn, dễ táo bón.
Trẻ chậm phát triển vận động: chậm biết lẫy bò, chậm biết ngồi, đi… Trẻ giảm trương lực cơ, nhẽo, chậm vận động, bụng to (ỏng), dáng đi bất thường…
Nếu không được điều trị kịp thời, biến dạng xương sẽ là vĩnh viễn, ảnh hưởng nhiều tới chất lượng sống, khả năng vận động, với một cơ thể biến dạng ít nhiều, như: Xương hàm biến dạng, hẹp, răng mọc lộn xộn; Xương chi dưới bị cong tạo thành hình chữ X, O; Xương cột sống có thể gù, vẹo…
Phòng bệnh còi xương do thiếu vitamin D
Phòng bệnh cho mẹ: ngay khi có thai mẹ cần ăn uống đầy đủ: ăn các thức ăn giàu canxi như sữa, pho mát, cua, tôm, cá, đậu đỗ các loại…, ra ngoài trời nhiều. Có thể uống vitamin D 1000 đv/ngày từ tháng thứ 7 hoặc uống 100.000 đv đến 200.000 đv một lần vào tháng thứ 7 của thai kỳ. Tiếp tục bổ sung Vitamin D trong thời kỳ cho con bú.

Hướng dẫn sản phụ chăm sóc trẻ sau sinh
Phòng bệnh cho con: đảm bảo sữa mẹ, ăn dặm đúng thời điểm tròn 6 tháng với đầy đủ các nhóm thức ăn, ưu tiên các thức ăn giàu canxi, vitamin D (hải sản, bơ, sữa, trứng, dầu gan cá..).
Tắm nắng đều đặn: có thể tiến hành từ tuần thứ 2 sau sinh. Tắm nắng tuần 3-4 buổi, mỗi buổi 15-20 phút, tốt nhất vào buổi sáng, mùa đông có thể tắm nắng muộn hơn. Ánh nắng chiếu trực tiếp trên bề mặt da, diện tích da hở tối thiểu 30-40%.
Phòng bằng vitamin D: là biện pháp phòng có hiệu quả cần chỉ định cho các đối tượng đẻ non, đẻ thấp cân, trẻ phát triển nhanh, không có điều kiện tắm nắng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé trong những năm tháng đầu đời, tuy nhiên hàm lượng Vitamin D rất ít. Vì vậy khuyến nghị bổ sung Vitamin D cho tất cả trẻ bú mẹ hoàn toàn từ tuần thứ 2 sau sinh: liều khuyến nghị là 400 đv/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi và 600 đv/ngày cho trẻ từ 1 tuổi trở lên hoặc liều 1 lần duy nhất: 100.000 đv cho trẻ dưới 1 tuổi và 200.000 đv cho trẻ trên 1 tuổi nếu không uống thuốc đều hay có vấn đề rối loạn tiêu hóa kéo dài.

Thu Hương – CDC Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây