TỔ CHỨC LỄ PHÁT ĐỘNG “TUẦN LỄ LÀM MẸ AN TOÀN NĂM 2023
Xa Quốc Văn
2023-09-30T22:35:17-04:00
2023-09-30T22:35:17-04:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/to-chuc-le-phat-dong-tuan-le-lam-me-an-toan-nam-2023-792.html
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/news/2023_10/image.png
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Sáng ngày 30/9/2023 tại TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế, Báo Sức khỏe & Đời sống tổ chức Lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2023.
Tham dự buổi lễ có Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; đại diện các Viện, đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế: UNFPA, WHO (Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam), UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam); WB (Ngân hàng thế giới) và một số tổ chức có liên quan như: Headthbridge, PLAND, CCHIP. Về phía tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Văn Toàn – Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; đồng chí Bùi Thu Hằng – TUV, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình. Tham dự buổi lễ còn có đại diện một số tỉnh phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Kạn, Yên Bái, Sơn La, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ phát động, Giáo sư, Tiến sĩ: Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của Làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Chính vì vậy, các nội dung giáo dục sức khỏe về Làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu…
Thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Chính Phủ Việt Nam, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự cố gắng nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, sức khỏe sinh sản ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Các chỉ số về Sức khỏe bà mẹ và trẻ em mà Việt Nam đã đạt được khá tốt so với nhiều quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các chỉ tiêu Chính phủ giao về lĩnh vực sức khỏe bà mẹ, trẻ em trong nhiều năm qua đều hoàn thành. Trong vòng hơn 20 năm (từ giai đoạn 2000 – 2022), tử vong mẹ giảm từ 165/‰ xuống còn 46/‰ trẻ đẻ sống; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm hơn 2 lần; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em giảm mạnh; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi tiếp tục được duy trì ở mức cao.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn được Bộ Y tế triển khai từ 01 – 7/10/2023 với chủ đề “Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé” và thực hiện với 51 tỉnh thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Trong tuần lễ này các địa phương sẽ tăng cường mọi nguồn lực, thực hiện nhiều hoạt động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của đồng bào và tạo sự ủng hộ của toàn xã hội đặc biệt là chính quyền các cấp về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Bộ Y tế và các địa phương cũng sẽ triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ; nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; đẩy mạnh việc triển khai các hoạt động Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; chủ động và tích cực thực hiện các giải pháp trong Chương trình can thiệp giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt… hướng tới không còn bà mẹ và trẻ em Việt Nam nào bị bỏ lại phía sau.
Nhân sự kiện này, đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: Sở Y tế 51 tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh tổ chức Tuần lễ làm mẹ an toàn tại các địa phương theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Tất cả các phụ nữ mang thai và đang nuôi con nhỏ, các cán bộ y tế, và mỗi người chồng, người cha, người thân trong gia đình hãy quan tâm chăm sóc phụ nữ mang thai, chăm sóc trẻ em; hãy tích cực ủng hộ và tham gia Tuần lễ Làm mẹ an toàn để nâng cao sức khỏe, góp phần giảm tử vong mẹ và tử vong trẻ em ở Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn, đồng chí Nguyễn Văn Toàn – Uỷ viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết: Tính đến hết tháng 9/2023, tại tỉnh Hòa Bình có 99% bà mẹ, trẻ sơ sinh được thực hiện chăm sóc y tế trước, trong và sau sinh đúng quy định, giảm thiểu tai biến sản khoa, không có trường hợp tử vong mẹ. Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi thấp hơn so với trung bình cả nước. Tuy nhiên, chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em còn gặp nhiều khó khăn như: việc chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em tại hộ gia đình còn có những hạn chế nhất định; một số trạm y tế xã chưa có đầy đủ những trang thiết bị phục vị khám, chữa bệnh, thiếu tài liệu phương tiện truyền thông tại cộng đồng; đội ngũ cán bộ y tế chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ tại cộng đồng.
Để phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời khắc phục những hạn chế tồn tại, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động trong chương trình Làm mẹ an toàn nói riêng và mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung. Trong lễ phát động này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành Y tế, tập trung một số nội dung sau:
Tổ chức đa dạng hóa các loại hình truyền thông, trong đó chú trọng truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm chăm sóc tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và y tế thôn bản làm nòng cốt; lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, lồng ghép các nội dung về Làm mẹ an toàn và sinh hoạt cộng đồng: tổ dân cư, các câu lạc bộ, các đoàn thể, đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ … đảm bảo mỗi trạm y tế xã vùng III tổ chức ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn.
Tăng cường hơn nữa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có liên quan đến làm mẹ an toàn, tập trung vào ba gói dịch vụ chăm sóc trước sinh, hỗ trợ chăm sóc trong sinh, hỗ trợ chăm sóc sau sinh.
Trong Tuần lễ Làm mẹ an toàn tại các cơ sở cần tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em như: khám thai định kỳ, quản lý thai nghén và giới thiệu các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng; chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này; cử cán bộ có chuyên môn phù hợp hỗ trợ tại chỗ cho tuyến dưới khi có yêu cầu. Tổ chức hoạt động truyền thông tư vấn kết hợp cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn tại cộng đồng các xã khu vực III.
Vận động, cung cấp thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan thông tin đại chúng, đặc biệt là các cơ quan tuyên truyền ở cấp huyện, xã đều có tin, bài về Làm mẹ an toàn. Vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc …) ủng hộ và tham gia các hoạt động của Tuần lễ Làm mẹ an toàn, đưa nội dung Làm mẹ an toàn vào các cuộc sinh hoạt cộng đồng, dòng họ; tham dự và phát biểu tại các hội nghị, hội thảo, sinh hoạt cộng đồng về làm mẹ an toàn.
Qua buổi Lễ phát động Tuần lễ làm mẹ an toàn, góp phần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khan, nhằm góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)