HƯỞNG ỨNG NGÀY SỨC KHỎE TÂM THẦN THẾ GIỚI 10/10

Thứ ba - 03/10/2023 23:51 251 0
Hàng năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lấy ngày 10 tháng 10 để tổ chức các hoạt động truyền thông. Chủ đề của năm 2023 là “Đặt sức khỏe tâm thần và hạnh phúc cho tất cả mọi người trở thành ưu tiên trên toàn cầu” với mục tiêu là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần và kêu gọi đầu tư vào các dịch vụ phòng ngừa và điều trị các bệnh tâm thần.
          Trước những áp lực của cuộc sống hiện đại, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc các bệnh về rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng tăng. Việc giúp đỡ những người trẻ có kỹ năng sống để thích ứng với cuộc sống cần sự quan tâm hơn nữa của các bậc phu huynh, nhà trường và xã hội. Hỗ trợ tâm lý xã hội có thể được cung cấp trong trường học và các cơ sở cộng đồng. Đầu tư của chính phủ và sự tham gia của các tổ chức xã hội, y tế và giáo dục rất quan trọng. Sự đầu tư này cần có sự liên kết chặt chẽ để nâng cao nhận thức giữa thanh thiếu niên và thanh niên về cách chăm sóc sức khỏe tâm thần và giúp cho phụ huynh, giáo viên hiểu cách hỗ trợ cho học sinh, con, em mình.
Tác hại của bia rượu và các chất ma túy cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những hành vi nguy hiểm, không kiểm soát được bản thân. Triệu chứng bệnh tâm thần rất đa dạng, mức độ nhẹ nhất giống như suy nhược thần kinh cho đến các triệu chứng rối loạn tâm thần. Giai đoạn đầu thường biểu hiện các biểu hiện như: nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính nết, dễ phản ứng, khó tập trung trong học tập và công việc. Có người buồn chán thiếu quan tâm đến xung quanh, xa lánh mọi người. Khi bệnh nặng hơn còn xuất hiện ảo thanh (nghe thấy tiếng nói mà xung quanh không có ai); ảo giác (người bệnh nhìn thấy nhiều người đuổi theo hoặc một sự vật và hiện tượng không có trong thực tế khách quan).
Khi gia đình phát hiện người có dấu hiệu rối loạn tâm thần cần phải đến cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khám, chẩn đoán và điều trị sớm. Phát hiện sớm bệnh tâm thần đóng góp trên 50% đến kết quả điều trị của người thầy thuốc. Phát hiện sớm giúp cho việc điều trị nhẹ nhàng hơn và hiệu quả nhanh hơn, đồng thời giảm khả năng người bệnh đi đến mạn tính và tàn phế.
Phát hiện sớm và dự phòng các rối loạn tâm lý - tâm thần có ý nghĩa trong việc: Hạn chế nguy cơ suy giảm nhận thức và giao tiếp xã hội; Kiểm soát tình trạng lạm dụng chất (rượu, ma tuý...); Làm giảm tác hại của các Stress cấp; Giảm lạm dụng các thuốc hướng thần.
Phát hiện sớm bệnh tâm thần còn có ý nghĩa về mặt kinh tế: Làm giảm ngày điều trị, sớm đưa người bệnh về cộng đồng, xã hội. Giảm chi phí trong quá trình điều trị bao gồm cả chi phí của cá nhân, gia đình người bệnh và xã hội. Vấn đề này ngoài việc làm giảm tỷ lệ người bệnh tâm thần đi đến mạn tính và tàn phế, làm giảm tỷ lệ gây rối trật tự xã hội, nó còn làm giảm tỷ lệ tử vong nói chung.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, hiểu biết của toàn dân đối với các rối loạn sức khỏe tâm thần. Để đảm bảo chất lượng cuộc sống cũng như chế độ chăm sóc, điều trị cho những người mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Vì vậy cộng đồng xã hội và gia đình cần: Hiểu biết về các rối loạn tâm thần và tích cực tham gia vào việc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho người bệnh;  Phục hồi chức năng tâm lý xã hội thông qua giao tiếp, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc với mọi người; Tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người bệnh; Giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn và tạo cho người bệnh có việc làm phù hợp với khả năng của họ; Gia đình cần có thái độ bình đẳng đối người bệnh như những thành viên khác trong gia đình, không phân biệt đối xử; Cần chấp nhận những hành vi dị thường của người bệnh, cần tỏ rõ tình thương đối với người bệnh; Cần kiên trì giúp đỡ người bệnh, không bi quan chán nản. Không nên cưỡng ép, giận dữ, nên dịu dàng hướng dẫn người bệnh trong giao tiếp, ứng xử cũng như trong hướng dẫn thực hiện công việc hàng ngày.
Bệnh tâm thần cũng như các bệnh khác nếu có kiến thức về bệnh có thể phòng ngừa được. Cần có các biện pháp loại trừ nguyên nhân gây bệnh tâm thần bao gồm nhiều lĩnh vực. Phòng chống các nguyên nhân gây tổn thương tổ chức não như: phòng chống các bệnh nhiễm trùng thần kinh, đặc biệt các bệnh viêm não, màng não và các bệnh nhiễm độc thần kinh như nhiễm độc rượu, ma túy, nhiễm độc nghề nghiệp. Bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông đề phòng chấn thương sọ não; Hạn chế và loại trừ các sang chấn tâm lý, tạo môi trường trong sạch. Cần tránh những mâu thuẫn, những xung đột trong cuộc sống hàng ngày, cần tránh những mâu thuẫn căng thẳng kéo dài, luôn xây dựng tình đoàn kết giúp đỡ nhau. Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ nặng nề cần có thái độ quan tâm, an ủi, đối xử đúng mức giúp tìm cho họ lối thoát. Giáo dục con cái đúng phương pháp, không quá nghiêm khắc hoặc quá chiều chuộng.
Đối với bệnh tâm thần nguyên nhân chưa rõ không thể đề phòng tuyệt đối được thì chủ yếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị thuốc men và phục hồi chức năng, hạn chế tái phát và tiến triển xấu dẫn đến sa sút tinh thần./.


Đặng Ngọc Quỳnh – ( Khoa Phòng chống bệnh Không lây nhiễm CDC)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây