Hòa Bình: Lan tỏa Mô hình “Ứng dụng chuyển đổi số VneID trong phòng ngừa, đấu tranh với ma túy"

Thứ hai - 04/12/2023 03:29 401 0
Là địa bàn trọng điểm về số người nghiện liên quan đến ma túy, thời gian qua xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình tiềm ẩn diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Để giải quyết tình hình trên, lực lượng Công an xã đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã, Công an huyện xây dựng nhiều mô hình về an ninh trật tự. Trong đó sáng tạo và phát huy hiệu quả là Mô hình “Ứng dụng chuyển đổi số VneID trong phòng ngừa, đấu tranh với ma túy”.

Mô hình “Ứng dụng chuyển đổi số VneID trong phòng ngừa, đấu tranh với ma túy trên địa bàn xã Tây Phong” được ra mắt và đi vào hoạt động từ tháng 6/2023, Mô hình là sự cụ thể hóa, cách làm sáng tạo Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia. Để Mô hình đi vào hoạt động đảm bảo, thiết thực và hiệu quả, lực lượng Công an xã Tây Phong đã tham mưu tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã, lãnh đạo Công huyện thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng Công an xã làm Phó ban Thường trực; thành lập các Tổ phòng chống ma túy cộng đồng ở 09/09 xóm; thành lập Tổ Y tế tham gia phòng chống ma túy. Từ đó, ngoài việc nắm chắc tình hình, các tổ phòng chống ma túy đẩy mạnh công tác lập hồ sơ người nghiện, cảm hóa, giáo dục, đưa đối tượng nghiện ma túy vào cơ sở chữa bệnh cai nghiện bắt buộc và thực hiện các biện pháp quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

     Ảnh: Lực lượng Công an xã Tây Phong hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng VneID để trao đổi thông tin

      Trong quá trình thực hiện, lực lượng Công an xã phân tầng quản lý các đối tượng sử dụng ma túy theo các cấp độ như: tầng một là các trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy thì lập hồ sơ quản lý theo quy định; tầng hai là các trường hợp xác định nghiện ma túy nhưng mới sử dụng, nhân thân tốt, có thể cai nghiện tại cộng đồng thì lập hồ sơ quản lý tại xã, tổ chức cai nghiện tại cộng đồng, vận động uống Methadone, yêu cầu viết cam kết, phân công từng cán bộ có trách nhiệm quản lý, kèm cặp; tầng ba đối với các trường hợp nghiện ma túy nặng, lâu năm hoặc không có khả năng cai nghiện tại cộng đồng thì tiến hành lập hồ sơ đưa đi cai nghiện bắt buộc theo quy định... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tạo nền tảng cho người dân được thụ hưởng những tiện ích thiết thực do công nghệ chuyển đổi số mang lại.

Thượng úy Bùi Quang Duy - Trưởng Công an xã Tây Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình cho biết: Cách làm đột phá, sáng tạo của Mô hình đó là quản lý các đối tượng liên quan đến ma túy trên phần mềm ứng dụng điện tử được gắn “số hóa” và phần mềm được cài đặt thuận lợi ngay trên điện thoại thông minh, giúp cho cán bộ và người dân dễ dàng thao tác, sử dụng. Qua ứng dụng, là cầu nối giữa cơ quan quản lý và gia đình có người nghiện trao đổi thông tin nhanh chóng, kịp thời; người dân phát giác, cung cấp thông tin liên quan đến người nghiện, danh tính và thông tin cá nhân của người nghiện được bảo mật, giúp cho người nghiện tránh khỏi mặc cảm, tự ti trước gia đình và xã hội, tạo niềm tin, động lực để họ nhận thức tích cực, vươn lên trong cuộc sống, làm lại cuộc đời.

Song song với công tác quản lý, lực lượng Công an xã cũng phối hợp chặt chẽ với cán bộ Y tế xã thường xuyên tổ chức xét nghiệm, vận động tes ma túy đối với người trong diện nghi nghiện, người nghiện đang cai và người nghiện sau cai; hỗ trợ tư vấn các đối tượng nghiện ở xa thông qua đường dây nóng, nền tảng mạng xã hội nhóm Zalo của Công an xã, giúp các đối tượng tiếp cận các thông tin về chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ cai nghiện; tranh thủ người có uy tín trên địa bàn xã tích cực phổ biến pháp luật đến người dân nâng cao nhận thức, giáo dục con cháu trong gia đình học tập tốt, có lối sống lành mạnh, không bị các phần tử xấu lợi dụng, lôi kéo sa vào các tệ nạn xã hội; tổ chức các buổi tuyên truyền tại các nhà trường, thông tin những tác hại, hệ lụy về ma túy đến các em học sinh, giúp các em học sinh nâng cao ý thức, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

 Ảnh: Lực lượng Công an xã phối hợp với cán bộ Y tế xã thường xuyên tổ chức xét nghiệm ma túy các đối tượng nghi nghiện và các đối tượng sau cai nghiện

Ảnh: Lực lượng Công an xã Tây Phong thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật liên quan đến ma túy cho các em học sinh trên địa bàn xã

Từ tháng 6/2023 đến nay, lực lượng Công an xã đã tiếp nhận, xử lý hàng chục tin báo về ANTT có giá trị qua ứng dựng VneID; quản lý chặt chẽ gần 50 đối tượng liên quan đến ma túy, giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” về ma túy, tỷ lệ người nghiện ma túy được kiềm chế, không phát sinh người nghiện mới góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, giữ vững ổn định về ANTT, mang lại bình yên cho cuộc sống người dân trên địa bàn xã. Nhờ phát huy hiệu quả, mô hình đã và đang được nhân rộng, lan tỏa đến các xã trên toàn huyện, mang lại niềm tin cho nhân dân, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Nguồn tin: congan.hoabinh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây