CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN SỚM GEN BỆNH THALASSEMIA

Thứ ba - 13/12/2022 21:13 301 0
Thalassemia (còn gọi là Bệnh tan máu bẩm sinh) được thế giới phát hiện và nghiên cứu từ năm 1925. Tại Việt Nam, bệnh được các nhà khoa học nghiên cứu vào năm 1960. Thalassemia đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng đến giống nòi, gây hệ lụy cho đời sống của người bệnh và cộng đồng.
Thalassemia là bệnh lý huyết học di truyền phổ biến nhất trên thế giới. Bệnh có ở mọi quốc gia, dân tộc, xuất hiện ở cả nam và nữ. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 7% dân số mang gen bệnh. Tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 20.000 người bị Thalassemia thể nặng, mỗi năm có thêm khoảng 2.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia, có nghĩa là khoảng 10 triệu người mang gen bệnh.
Trước thực trạng đó, trong thời gian vừa qua Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn trả kết quả, ghi sổ theo dõi, quản lý đối tượng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh” cho cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số tại các huyện: Lương Sơn, Yên Thủy, Cao Phong và Lạc Thủy.  Với tổng số 50 học viên mỗi lớp tổ chức tại các huyện, bên cạnh cán bộ trạm y tế, chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số còn có 05 đối tượng tham gia tư vấn (là những đối tượng có yêu cầu thực hiện xét nghiệm lần 2). Tại lớp tập huấn các học viên được học các nội dung: Hướng dẫn tư vấn thực hành trả kết quả cho đối tượng; Hướng dẫn phương pháp ghi sổ theo dõi, quản lý đối tượng mang gen bệnh tan máu bẩm sinh tại cộng đồng; Hướng dẫn công tác tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh cho các đối tượng tại trạm y tế… Sau các lớp tập huấn trên Chi cục Dân số - KHHGĐ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện: Lương Sơn, Yên Thuỷ, Cao Phong và Lạc Thuỷ tổ chức lấy máu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh cho các đối tượng là trẻ vị thành niên; thanh niên và người dân có nhu cầu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh.
Qua 2 lần lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh của 4 huyện nói trên đã có 231 người (lần 1)  và 104 người (lần 2). Trong đó có tổng số 30 người nghi ngờ mang gen bệnh sau trả kết quả xét nghiệm điện di (xét nghiệm lần 2).
Khi người dân đăng ký tham gia xét nghiệm sàng lọc được nhà nước hỗ trợ 70% chi phí xét nghiệm. Ưu tiên các đối tượng là vị thành niên, thanh niên chưa kết hôn; người có người thân, họ hàng mang gen bệnh; các đối tượng chính sách; Chi phí xét nghiệm sàng lọc lần 1: Tổng kinh phí xét nghiệm sàng lọc 159.300đ (Tổng phân tích tế bào máu, Sắt huyết thanh, Ferritin); Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% = 111.500 đồng; Người dân tự chi trả chi phí xét nghiệm tại cộng đồng: 55.000 đồng
Lần 2: Nếu kết quả lần 1 nghi ngờ thực hiện Điện di huyết sắc tố 358.000đ. Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%= 250.600 đồng. Người dân tự chi trả chi phí xét nghiệm tại Bệnh viện đa khoa tỉnh: 108.000 đồng
Chi cục Dân số - KHHGĐ chủ trì, phối hợp với Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện tổ chức thực hiện lấy mẫu xét nghiệm. Để thuận tiện đi lại cho đối tượng, mỗi huyện được tổ chức tại các cụm xã, mỗi cụm xét nghiệm cho khoảng 50 đối tượng.
Đối với những bệnh nhân Thalassemia cần phải truyền máu định kỳ, suốt cả cuộc đời. Khoảng cách giữa các lần truyền máu là 2 – 5 tuần và Thải sắt: Mục đích để chống quá tải sắt ở bệnh nhân, nhằm đưa nồng độ sắt trong cơ thể về giới hạn bình thường. Bệnh nhân thường phải duy trì dùng thuốc thải sắt trong suốt cuộc đời. Đối với bệnh nhân khi có tăng nhu cầu truyền máu hơn 50% so với ban đầu trong 6 tháng; Lách quá to gây đau; Giảm bạch cầu hoặc giảm tiểu cầu nặng (do cường lách) thì bác sĩ sẽ có chỉ định cắt lách...
          Trước gánh nặng do bệnh Thalassemia mang lại thì việc tập huấn và lấy mẫu xét nghiệm cho các đối tượng nghi ngờ tại các địa phương là rất cần thiết. Qua đó, có thể giúp cho các bệnh nhân sớm có biện pháp điều trị phù hợp tại các cơ sở y tế.



Đội ngũ y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm Thalassemia cho các đối tượng tại địa phương

Bệnh nhân đang điều trị Thalassemia tại BVĐK tỉnh
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây