BỎ THUỐC LÀM GIẢM KHẢ NĂNG MẮC BỆNH LAO PHỔI

Thứ năm - 21/04/2022 12:33 1.079 0
Bệnh lao là một trong những căn bệnh dẫn đến tử vong hàng đầu thế giới, thường gặp nhất là lao phổi. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh lao có thể gây ra nhiều di chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh lao, trong đó không thể không kể đến hút thuốc lá.
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo tài liệu của "chương trình phòng chống tác hại thuốc lá": Khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, người nghiện hút thuốc lá quá nhiều chất độc sẽ ngấm dần và tích lũy trong cơ thể.
Bác sĩ Trần Nguyên Khánh, trưởng khoa lao và bệnh phổi, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết: “Rất nhiều bệnh nhân nằm điều trị tại khoa có tiền sử nghiện hoặc đã từng hút thuốc lá, thuốc lào. Họ thường đến điều trị khi bệnh đã nặng như: Ho ra máu, ho khạc đờm kéo dài”. Để tìm hiểu thêm, chúng tôi tới thăm và tiếp xúc với một số bệnh nhân đang điều trị tại khoa. Ông Bùi Văn Công, phường Quỳnh Lâm, thành phố Hoà Bình cho biết: “ Dạo gần đây tôi thường xuyên thấy mệt mỏi, khó thở, tức ngực và ho nhiều nhất là vào ban đêm, ho kéo dài mấy tuần rồi mà không đỡ, đi khám ở bệnh viện các bác sĩ chẩn đoán tôi bị  bệnh lao phổi. Khi được hỏi về tiền sử hút thuốc lá ông Công cho biết hút từ khi còn đi bộ đội, đến nay cũng được hơn 30 năm”.
Tương tự ông Xa Văn Được xã Phú Vinh, huyện Tân Lạc cũng có tiền sử hút thuốc lá lâu năm chia sẻ: “Tôi hút thuốc lá từ năm 20 tuổi. Biết mình bị lao nhưng tôi vẫn không thể bỏ được thuốc lá, cho đến khi bệnh quá nặng và bác sĩ bảo hoặc bỏ thuốc hoặc sẽ không bao giờ chữa khỏi thì tôi mới quyết tâm cai thuốc’’.
Hút thuốc lá không phải là nguyên nhân gây nên bệnh Lao phổi, tuy nhiên, nếu bệnh nhân lao phổi có hút thuốc thì sẽ càng khiến bệnh trầm trọng hơn, ảnh hưởng đến quá trình điều trị; thời gian điều trị kéo dài... Cùng với nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc. Đây đang là tình trạng đáng báo động và đe dọa nghiêm trọng đến cuộc chiến chống lao toàn cầu.
Bác sỹ Khánh cho biết thêm: Bệnh lao gây hại cho phổi và làm giảm chức năng của phổi. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh lao cao gấp đôi những người không hút thuốc. Việc hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao do khói thuốc làm giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng của cơ thể, suy giảm khả năng tiết dịch trên bề mặt của khí quản, chức năng hô hấp và sự phát triển của các đại thực bào phổi, giảm khả năng tự hủy diệt các khối u của đại thực bào phổi là những chiến binh bảo vệ cơ thể, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi rút tấn công, xâm nhập vào cơ thể. Lao phổi hoạt động được kết hợp với các tác động gây hại sức khỏe phổi do hút thuốc lá, làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong do suy hô hấp. Những người mắc bệnh lao nên từ bỏ thuốc lá, qua đó sẽ giúp phác độ điều trị bệnh lao của họ có hiệu quả.
Hút thuốc lá, đó là một thói quen khó bỏ, đặc biệt với những người đã trải qua hàng chục năm hút thuốc việc từ bỏ hút thuốc cần thời gian, giảm từ từ. Nhưng đã có không ít người nói thôi hút thuốc lá là thôi hẳn, không tái hút. Ngày nay có nhiều phương tiện cung cấp thông tin, người dân hiểu được tác hại của thuốc lá. Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 là một sự kiện quan trọng, góp phần làm giảm tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam, nâng cao sức khỏe người dân, giữ gìn và bảo vệ môi trường, hòa nhập xu thế chung của thế giới.
 Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh lao do khói thuốc lá gây nên thì mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp như hãy nói không với thuốc lá; tránh xa môi trường có khói thuốc và các hóa chất độc hại; khi ra ngoài hay xuất hiện ở nơi đông người cần đeo khẩu trang y tế; đeo khẩu trang khi chăm sóc người mắc bệnh lao phổi; bảo vệ, giữ gìn môi trường nhà ở, nơi làm việc, học tập sạch sẽ, khô thoáng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh; thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý: bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C để tăng sức đề kháng cho cơ thể và hạn chế đến nơi đông người.

Bác sĩ khoa lao và bệnh phổi, bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình khám và điều trị bệnh cho bệnh nhân

Nguồn tin: Thuỳ Dung (CDC Hoà Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây