THUỐC LÁ GÁNH NẶNG BỆNH TẬT VÀ ĐÓI NGHÈO

Thứ tư - 04/05/2022 21:00 700 0
Dường như đó là một vòng luẩn quẩn khi nói đến việc: Hút thuốc lá - Bệnh tật và đói nghèo
chamsocbenhnhan
Bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu đang theo dõi chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân
Vì thực tế, có không ít người do hút thuốc lá quá nhiều dẫn đến sức khỏe ngày càng giảm sút, bệnh tật ngày càng nhiều, khó khăn chồng chất, gia cảnh đã nghèo ngày càng nghèo hơn. Tuy nhiên, có nhiều nơi, không chỉ đàn ông mà cả phụ nữ, nhất là những người trung niên và lớn tuổi có thói quen không chỉ thuốc lá mà cả thuốc lào và coi đó như thói quên khó bỏ.
Thuốc lá từ lâu đã trở thành một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà thế giới từng phải đối mặt và đã giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm trên khắp thế giới. Hơn 7 triệu người trong số đó tử vong là do sử dụng thuốc lá trực tiếp, trong khi khoảng 1,2 triệu người hút thuốc lá thụ động. Các chuyên gia y tế cảnh báo, thuốc lá liên quan tới 6/8 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, liên quan đến các căn bệnh như: phổi tắc nghẽn mạn tính, tim mạch, ung thư... Có đến trên 90% người bệnh ung thư phổi có hút thuốc lá. Nếu người hút 20 điếu thuốc lá/ngày, nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 26 lần so với người không hút thuốc.
Tất cả các dạng thuốc lá đều có hại và không có mức phơi nhiễm thuốc lá nào là an toàn. Hút thuốc lá là hình thức sử dụng thuốc lá phổ biến nhất trên toàn thế giới. Các sản phẩm thuốc lá khác bao gồm thuốc lào, các sản phẩm thuốc lá không khói khác nhau, xì gà, thuốc lá cuộn, thuốc lào, bidis và kreteks cũng gây tổn hại đến sức khỏe, tuy nhiên lại có ít người dùng hiểu rõ điều này.
Hơn 80% trong số 1,3 tỷ người sử dụng thuốc lá trên toàn thế giới sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi gánh nặng bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá là nặng nề nhất. Sử dụng thuốc lá góp phần gây ra đói nghèo bằng cách chuyển hướng chi tiêu của hộ gia đình từ các nhu cầu cơ bản như thực phẩm và chỗ ở sang thuốc lá do tính chất gây nghiện cực mạnh khó có thể bỏ được trong thời gian ngắn.
Các chi phí kinh tế của việc sử dụng thuốc lá là rất lớn. Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho sức khỏe bản thân, tăng nguy cơ bệnh lý và tổn thương tâm lý mà còn làm tăng gánh nặng kinh tế gia đình khi phải bỏ ra các chi phí đắt đỏ điều trị các bệnh do sử dụng thuốc lá gây ra cũng như nguồn nhân lực bị mất do bệnh tật và tử vong sớm do khói thuốc. Một khi kinh tế gia đình không đảm bảo dễ làm phát sinh các vấn đề tệ nạn xã hội như: trộm cướp, bạo lực làm mất an ninh trật tự xã hội.
Ngoài việc gây tổn thất kinh tế ở cấp quốc gia như tăng chi phí chữa bệnh do hút thuốc gây ra, giảm năng suất lao động thì một lượng chất thải do dụng cụ hút thuốc, nhất là đối với thiết bị thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng bao gồm nhiều thành phần (nhựa, pin, bảng mạch điện, lọ dung dịch...), khi bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine... gây nổ, hủy hoại môi trường.
          Vợ chồng anh Linh, cư trú tại huyện Lạc Thủy cùng làm nghề thợ xây, chồng thì làm thợ chính còn vợ làm phu hồ. Sau khi trò chuyện vợ anh Linh đã không ngại ngần chia sẻ với tôi những câu chuyện gia đình của chị. Chị kể: "Sức khỏe chồng chị ngày càng kém đi do Viêm phế quản mạn tính. Kinh tế gia đình đã khó giờ anh bị bệnh ngày càng khó khăn hơn. Để có tiền cho anh đi chữa bệnh thì hai vợ chồng phải cố gắng đi xây, mà đi làm trong khi đang mang bệnh thì sức khỏe ngày càng kém đi, còn nếu không đi làm thì anh chị cũng không biết kiếm đâu ra tiền để anh có tiền mua thuốc thang điều trị bệnh". Tôi đã được đọc một câu đại ý nói rằng:"Khi còn trẻ thì bán sức khỏe để kiếm tiền, còn khi về già thì lấy tiền để mua sức khỏe". Nếu áp dụng với gia đình anh Linh thì đúng là nghịch cảnh, bởi ngay cả khi tuổi của anh không còn trẻ nữa thì anh cũng không có đủ tiền để "mua lại sức khỏe" của mình mà nguyên nhân chính là do thuốc lá gây ra.
Ai cũng biết sử dụng thuốc lá làm tăng thêm gánh nặng cho mỗi gia đình và làm giảm chất lượng của lực lượng lao động. Vì thuốc lá, những người nghèo ngày càng trở nên kiệt quệ. Trong thực tế, đối với nhiều gia đình chi phí cho hậu quả của việc hút thuốc gây ra còn tốn kém hơn nhiều so với chi phí để mua thuốc như: chi phí điều trị, chăm sóc, tốn kém về thời gian.
Để người dân có thể nhận thấy tác hại của thuốc lá từ đó chủ động phòng chống cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Coi việc hút thuốc lá là hành vi không đẹp ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động không tiếp cận với thuốc lá để giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trong lành  không khói thuốc lá, đặc biệt là gánh nặng về bệnh tật và đói nghèo không còn đeo bám trong suốt cuộc đời của họ./.

Nguồn tin: Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây