BỎ THUỐC LÁ ĐỂ PHÒNG BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MÃN TÍNH

Thứ hai - 13/06/2022 06:02 322 0
Theo chương trình “Vì lá phổi khỏe Việt Nam” – Bộ Y tế, hút thuốc là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: 80%-90% người mắc Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nghiện thuốc lá. Nếu người bệnh COPD tiếp tục hút thuốc, bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn.
 
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một trong những bệnh hô hấp phổ biến trên thế giới cũng như ở nước ta và có xu hướng ngày càng gia tăng. Đây là bệnh tiến triển nặng dần, không hồi phục do có những đợt cấp và xuất hiện các biến chứng trầm trọng có thể dẫn đến tử vong như suy hô hấp mạn tính, suy tim…
Triệu chứng nổi bật nhất của COPD là ho khạc đờm mạn tính và khó thở. Lúc đầu thường ho cách quãng, sau ho cả ngày vào đa số các ngày trong tuần, nếu điển hình có thể ho kéo dài đến 3 tháng trong một năm và liên tục từ 2 năm trở lên. Khạc đờm vào buổi sáng, thường xuyên, đờm trong và nhày số lượng ít sau khi ho. Tuy nhiên một số trường hợp có thể không ho, hoặc rất ít ho mà triệu chứng chủ yếu là khó thở từ từ tăng dần, lúc đầu là khó thở khi gắng sức, về sau khó thở xuất hiện cả khi nghỉ.
Bệnh nhân Bùi Văn Biên (57 tuổi, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc) là một ví dụ điển hình. Ông xuất hiện triệu chứng khó thở thường xuyên khi làm công việc phụ hồ của mình. Lúc đầu chỉ nghĩ do mệt mỏi gắng sức làm việc. Về sau các cơn khó thở tăng dần ngay cả lúc ăn, lúc ngồi nghỉ, kèm theo ho kéo dài và phải đi cấp cứu. Các bác sỹ đã chẩn đoán ông bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Khai thác tiền sử ông có thâm niên hút thuốc gần 40 năm.

Các bác sỹ phân tích và đọc kết quả phim XQ ngực của bệnh nhân Bùi Văn Biên
Không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nhưng việc điều trị có thể làm giảm nhẹ triệu chứng, giảm biến chứng, và nâng cao chất lượng sống.
Trước hết, bệnh nhân cần phải cai thuốc lá, tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm. Những bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính thường có diễn tiến tăng dần lên và nặng thêm sau mỗi đợt cấp. Nguyên nhân gây ra đợt cấp chủ yếu do nhiễm virus, vi trùng. Sau mỗi đợt cấp, bệnh nhân mệt và yếu hơn, chức năng phổi xấu hơn. Do đó, bệnh nhân cần chú ý giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh nhiễm lạnh, nhất là vệ sinh răng miệng, thực hiện chế độ dinh dưỡng tốt để nâng cao sức khỏe thể lực, tiêm phòng vắc xin cúm và phế cầu theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, nên phối hợp với điều trị không dùng thuốc như: tập vật lý trị liệu hô hấp, tập thở chúm môi, tập thở cơ hoành…

Bỏ thuốc là việc quan trọng nhất mà người bệnh cần làm để có thể chung sống tốt hơn với bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Nếu người hút thuốc lá mắc bệnh này mà vẫn hút thuốc thì các biện pháp điều trị sẽ không còn phát huy tác dụng.

Nguồn tin: Thu Hương (CDC Hòa Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây