HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC DÂN SỐ VÀ PHÁT TRIỂN NĂM 2022

Chủ nhật - 25/12/2022 06:25 726 0
Chiều 23/12, Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh Hoà Bình đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Dân số và phát triển năm 2022, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023; Hưởng ứng tháng hành động quốc gia về dân số; Kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam 26/12/2022.

Tới dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh; đồng chí Đinh Huy Dương, Vụ trưởng vụ truyền thông giáo dục, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế; đồng chí Nguyễn An Trường, Phó Giám đốc Sở Y tế, Phó trưởng ban Chỉ đạo cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố.

Trong những năm qua, công tác Dân số - KHHGĐ nhận được sự quan tâm chỉ đạo lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và tổ chức xã hội. Ban chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển tỉnh thường xuyên được củng cố và kiện toàn kịp thời thực hiện nhiệm vụ theo phân công. Các cơ quan thành viên của Ban chỉ đạo đã chủ động lồng ghép chỉ tiêu nhiệm vụ về dân số và phát triển vào các văn bản chỉ đạo, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các cơ quan.
Năm 2022, công tác Dân số và Phát triển được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Tỷ lệ giảm sinh đạt 0,7 ‰, vượt kế hoạch đề ra. Tỷ số giới tính khi sinh là 111,2 trẻ nam/100 trẻ nữ, giảm 0,4 điểm %, vượt kế hoạch giao. Các biện pháp tránh thai được cung cấp đa dạng trên cả 3 kênh: miễn phí, tiếp thị xã hội, xã hội hoá. Số người sử dụng biện pháp tránh thai đạt 100,54% so với kế hoạch. Đẩy mạnh truyền thông chuyển đổi hành vi của người sử dụng từ chờ cung cấp phương tiện tránh thai miễn phí sang mua sử dụng qua kênh tiếp thị xã hội, xã hội hóa các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS, đảm bảo sự công bằng xã hội tính bền vững của chương trình Dân số - KKHGĐ. Cả 3 kênh cung ứng được triển khai trên 10 huyện, thành phố và 151 xã, phường, thị trấn với 28 sản phẩm xã hội hóa.
Tổ chức Chiến dịch cung cấp dịch vụ KHHGĐ và xã hội hoá phương tiện tránh thai/hàng hoá sức khoẻ sinh sản tại 113/151 xã, cung cấp dịch vụ cho 16.096 người, khám phụ khoa cho người dân các xã thuộc khu vực II và III thuộc vùng đồng bằng dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khám phụ khoa cho 20.669 phụ nữ, số mắc bệnh và điều trị viêm nhiễm đường sinh dục là 9.920 người.
Để nâng cao chất lượng dân số, triển khai các hoạt động mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh, trong đó ngân sách địa phương hỗ trợ 70% chi phí xét nghiệm. Tổ chức các đợt lấy máu xét nghiệm cho các đối tượng là vị thành niên thanh niên người có họ hàng người thân mang gen bệnh tan máu bẩm sinh tại các huyện Lương Sơn, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Kim Bôi và Tân Lạc. Qua tư vấn, vận động xét nghiệm, kết quả có 164 trường hợp kết luận mang gen bệnh tan máu bẩm sinh, chiếm tỷ lệ 21,1%.
Tuy nhiên, công tác Dân số và phát triển tỉnh ta còn gặp những thách thức như: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng sinh con thứ 3 vẫn còn ở mức cao; tình trạng mang thai và sinh đẻ ở tuổi vị thành niên, tảo hôn còn xảy ra ở nhiều địa bàn; tỷ lệ mang gen bệnh tan máu bẩm sinh cao, tiềm ẩn trong cộng đồng.
Năm 2023, phấn đấu giảm tỷ lệ sinh 0,2‰; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức 1%; giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên; tỷ lệ giới tính khi sinh dưới 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh 100% kế hoạch; tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh 100% kế hoạch; giảm số trường hợp tảo hôn.
Tại hội nghị, các đơn vị đã có các báo cáo tham luận làm rõ những thuận lợi, khó khăn và kết quả công tác Dân số và Phát triển năm 2022. Đồng thời đề xuất, kiến nghị giải pháp để thực hiện tốt công tác Dân số và Phát triển trong thời gian tới.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng ban BCĐ Công tác Dân số và Phát triển tỉnh, ghi nhận những nỗ lực của cả Hệ thống Dân số từ tỉnh cho tới cơ sở thôn/xóm, từ đó đã thu được những kết quả đáng khích lệ, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 rất lớn. Để giải quyết những thách thức trong công tác Dân số và phát triển thời gian tới, đặc biệt trong giai đoạn 2021 - 2025, đồng chí đề nghị lãnh đạo các sở, ngành, đoàn thể, các cơ quan và chính quyền địa phương cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới mà đã được thể chế hóa tại Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 24/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 16/7/2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình hành động số 21 - CTr/TU ngày 24/4/2018 của Tỉnh ủy Hòa Bình; và Kế hoạch số 56/KH-UBND ngày 29/3/2021 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của tỉnh Hòa Bình…
Một trong những nội dung, nhiệm vụ cần phải trú trọng là: Khẳng định đạt và duy trì mức sinh thay thế một cách bền vững và thực hiện nâng cao chất lượng dân số. Muốn khẳng định đạt và duy trì mức sinh thay thế thì một trong những chỉ số phải được quan tâm và phải giảm trong thời gian tới, đó là: Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Hiện nay tiêu chí "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con" là thông điệp về số lượng, song nó sẽ giúp làm chậm quá trình già hóa dân số, kéo dài thời kỳ dân số vàng và giúp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Ngành Y tế cùng với các sở, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục kiện toàn, củng cố hệ thống tổ chức làm công tác dân số và phát triển. Đào tạo và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân số; củng cố cơ sở vật chất, nâng cao dịch vụ kỹ thuật để thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong các văn bản chỉ đạo của tỉnh đã ban hành.
Chủ động tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động để duy trì các kết quả đã đạt được và chú trọng đến các hoạt động nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm mắc bệnh tan máu bẩm sinh; giảm tảo hôn… Nâng cao kiến thức sức khỏe sinh sản, giảm tỷ lệ phá thai trong lứa tuổi vị thành niên/thanh niên, giảm tỷ lệ vô sinh… để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong tương lai.
Đặc biệt, mô hình xét nghiệm phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại trạm y tế xã như trong báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGĐ đã và đang thực hiện, cần tiếp tục nghiên cứu, thực hiện, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức triển khai để tham mưu với ngành, với tỉnh thực hiện có hiệu quả công tác phòng bệnh tan máu bẩm sinh tại cộng đồng.

Nhân dịp này, Bộ Y tế đã tặng Cờ thi đua cho Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021. Tổng cục Dân số tặng Giấy khen cho 4 tập thể, 8 cá nhân trong hệ thống Dân số toàn tỉnh năm 2022. Sở Y tế tặng Giấy khen cho 3 tập thể, 4 cá nhân đạt Chiến sỹ thi đua, 11 lao động tiên tiến thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình.
Thu Hương – CDC Hoà Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây