TTYT HUYỆN KIM BÔI PHẪU THUẬT MỔ CẤP CỨU LẤY THAI CHO 02 THAI PHỤ

Thứ hai - 01/07/2024 05:07 83 0
Ngày 24 tháng 6 năm 2024 Bác sỹ CKII Dương Hải Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi đã trực tiếp tiến hành phẫu thuật mổ cấp cứu lấy thai cho 02 bệnh nhân.
Bệnh nhân thứ nhất là Bùi Ánh Ngọc (xã Kim Bôi, huyện Kim Bôi), vào viện 10h ngày 23/6/2024 chẩn đoán là thai 39 tuần chuyển dạ đẻ lần 1, ngôi đầu. Theo dõi đến 21h ngày 24/6/2024 cổ tử cung xóa, cơn co tử cung thưa, siêu âm cạn ối. Chẩn đoán lại thai 39 tuần chuyển dạ đẻ lần 1, cạn ối. Bác sỹ chỉ định mổ cấp cứu hồi 21h30 ngày 24/6/2024. Bệnh nhân thứ hai là Bùi Thị Chiến 31 (xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi), nhập viện lúc 21h ngày 24/6/2024 chẩn đoán thai 40 tuần chuyển dạ đẻ lần 2, rỉ ối/ sẹo mổ cũ lấy thai. Bác sỹ chỉ định mổ cấp cứu 00h ngày 25/6/2024. Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi tiến hành mổ cấp cứu lấy thai thành công cho cả 2 bệnh nhân. Sau mổ, cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo, da niêm mạc hồng, các chỉ số sinh tồn trong giới hạn bình thường.
Theo Bác sỹ CKII Dương Hải Thành cho biết: Việc chăm sóc trước sinh là một hoạt động quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ mang thai và thai nhi. Chăm sóc trước sinh đầy đủ theo quy định sẽ giúp bà mẹ biết về tình trạng sức khỏe của mẹ, thai nhi, hướng dẫn chăm sóc dinh dưỡng, sinh hoạt, lối sống phù hợp nhằm bảo đảm sự phát triển tối ưu cho thai nhi.
Chăm sóc trước sinh cũng là dịp để thực hiện tiêm phòng uốn ván, bổ sung vi chất, phát hiện sớm các vấn đề bất thường của mẹ và thai để có thể xử trí kịp thời, bảo đảm an toàn trong suốt thời gian mang thai và cuộc đẻ.
Một trong những nội dung quan trọng của chăm sóc trước sinh là khám thai định kỳ để đánh giá tình trạng sức khoẻ của người mẹ và thai nhi, nhằm phát hiện nguy cơ khi mang thai để xử trí kịp thời, hướng tới kết quả tốt nhất cho mẹ và con sau sinh. Các bà mẹ cần chú ý lịch khám thai định kỳ như sau:
 Trong 3 tháng đầu thai kì (tính từ ngày đầu kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày). Đây là giai đoạn để xác định: việc có thai, xác định vị trí làm tổ của thai, lập hồ sơ quản lý thai, tính tuổi thai, dự kiến ngày sinh; xác định thai bình thường hay bất thường (thai lưu, thai trứng, thai vô sọ…); Phát hiện các bệnh lý phụ khoa kèm theo, (như: u xơ tử cung, u buồng trứng…) các bất thường đường sinh dục nhất là tại tử cung có thể ảnh hưởng tới thai; Sàng lọc, phát hiện yếu tố nguy cơ để tư vấn chăm sóc, điều trị phù hợp các bệnh lây truyền từ mẹ sang con như HIV, Giang mai, Viêm gan B.
Khám thai 3 tháng giữa (tính từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày) nhằm: Đánh giá sự phát triển của thai, sự đáp ứng của cơ thể mẹ với thai nghén; Sàng lọc một số bệnh như đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật; Tiêm vắc xin phòng uốn ván, tư vấn dinh dưỡng, hướng dẫn phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế
Khám thai 3 tháng cuối (tính từ tuần 29 đến tuần 40) mục đích: Đánh giá sự phát triển của thai; phát hiện một số bất thường của thai; Xác định ngôi thai, thế, kiểu thế; Đánh giá sức khỏe bà mẹ; phát hiện các tai biến sản khoa thường gặp (như tiền sản giật, rau tiền đạo, rau bong non...); Tư vấn các dấu hiệu nguy hiểm cần đến cơ sở y tế ngay, các dấu hiệu chuyển dạ, chuẩn bị cho cuộc đẻ; tư vấn chọn cách đẻ, nơi đẻ, các phương pháp giảm đau trong và sau đẻ, cho trẻ nằm da kề da với mẹ ngay sau khi đẻ và cho trẻ bú sớm, nuôi con bằng sữa mẹ…
Chế độ dinh dưỡng, chế độ làm việc vận động, vệ sinh khi có thai cũng rất quan trọng:
Người mẹ cần biết lợi ích của dinh dưỡng tốt cho bản thân và cho con: chế độ dinh dưỡng đảm bảo sẽ giúp người mẹ ít mắc bệnh, giảm nguy cơ chảy máu khi sinh; con sinh ra khỏe mạnh, phát triển tôt, không bị nhẹ cân; đẻ đủ tháng; hồi phục nhanh sau đẻ và đủ sữa cho con bú. Chế độ ăn cho người mẹ khi mang thai phải đủ chất (tinh bột, đạm, chất béo, rau củ quả, quả chín theo mùa), uống nhiều nước; nếu ăn ít nên ăn tăng nhiều bữa; không nên ăn nhiều đường, các loại nước ngọt; không dùng các chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá...); hạn chế ăn muối trong đồ ăn.
Vệ sinh khi có thai: mặc đồ rộng và thoáng; Tắm rửa thường xuyên; Giữ vú và bộ phận sinh dục sạch; Ngủ ít nhất 8 giờ/ngày. Chú trọng giấc ngủ trưa; Nhà ở phải thoáng khí sạch sẽ, tránh ẩm, nóng, khói; Tránh đi xa, tránh xóc xe.
Chăm sóc sức khỏe khi mang thai không chỉ bảo đảm an toàn cho người phụ nữ mà còn giúp em bé được phát triển khỏe mạnh. Một lối sống lành mạnh và tuân thủ lịch khám thai là nguyên tắc cơ bản trong chăm sóc sức khỏe khi mang thai./.

PHẪU THUẬT LẤY THAI CHO BỆNH NHÂN



Nguyễn Thị Nhung (TTYT huyện Kim Bôi)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây