CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN SỚM VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH TÂM THẦN TẠI CỘNG ĐỒNG

Thứ tư - 27/03/2024 05:16 252 0
Rối loạn tâm thần là những biểu hiện không bình thường của hiện tượng và hoạt động tâm lý. Người bệnh tâm thần là những người có rối loạn tâm thần. Đó là các rối loạn giấc ngủ, rối loạn sự ngon miệng, rối loạn chức năng tình dục, rối loạn sự giao tiếp ứng xử, rối loạn trí nhớ, rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc, căng thẳng, lo âu...
        Rối loạn tâm thần thường có sự tập hợp nhóm các triệu chứng với mỗi rối loạn có quy định thời gian tồn tại thiểu khác nhau. Khoa học đã chứng minh rối loạn tâm thần là do tổn thương não hoặc rối loạn chức năng não.
          Rối loạn tâm thần gồm có 6 nguyên nhân gây ra sau: Nguyên nhân do tâm lý; do thực tổn; do bất thường về sự phát triển của não bộ và rối loạn nhiễm sắc thể; nguyên nhân nội sinh; nguyên nhân do sử dụng rượu, ma túy và các chất tác động tâm thần khác; nguyên nhân do nghiện game online và nghiện các thói quen khác.
          Trong bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD - 10) của tổ chức Y tế Thế giới về tâm thần bao gồm: Các rối loạn về tâm thần thực tổn gồm cả rối loạn tâm thần triệu chứng; Các rối loạn tâm thần phân liệt, các  rối loạn loại phân liệt và các rối loạn hoang tưởng; rối loạn cảm xúc; rối loạn tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể; các hội chứng hành vi kết hợp với các rối loạn sinh lý và các nhân tố cơ thể; Các rối loạn nhân cách và hành vi ở người thành niên; chậm phát triển tâm thần; các rối loạn về phát triển tâm lý; các rối loạn hành vi và cảm xúc thường khởi phát ở tuổi trẻ em và thanh thiếu niên.
          Năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 2.858 bệnh nhân tâm thần đang được quản lý và điều trị, trong đó có 1.778 bệnh nhân tâm thần phân liệt, 1.031 bệnh nhân động kinh và 49 bệnh nhân trầm cảm. Trong đó có 133 đối tượng đã được tiếp nhận vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Bệnh nhân tâm thần phân liệt điều trị ổn định là 1.500 người đạt 84,4% và 881 bệnh nhân động kinh đạt 85,5%, giảm tỷ lệ nguy hại và gây rối, tàn phế dưới 3,5%. 
          Những bệnh nhân đến điều trị và chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình là những bệnh nhân nặng, hay nói cách khác là tàn phế mãn tính. Đây là những bệnh nhân đã được uống thuốc mà bệnh tình không thuyên giảm, hành vi của họ có thể gây hại cho cộng đồng và chính bản thân họ.
          Để điều trị bệnh nhân tâm thần cần: Phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tích cực và toàn diện. Hóa dược (dùng thuốc) là liệu pháp cơ bản, song không luôn coi trọng và không luôn đặt lên hàng đầu. Cần có sự kết hợp hài hòa liệu pháp  tâm lý và các liệu pháp phục hồi chức năng tâm lý xã hội. Trường hợp do căn nguyên sang chấn tâm lý thì liệu pháp tâm lý phải được đưa lên hàng đầu; Chọn loại thuốc, liều thuốc phù hợp với triệu chứng, từng người bệnh và từng giai đoạn tiến triển; Thận trọng khi phối hợp thuốc để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc, ngộ độc thuốc và các biến chứng khác do thuốc gây ra; điều trị thời gian và liệu trình theo quy định.
          Để phòng bệnh rối loạn tâm thần hiệu quả cần: Tăng cường công tác giáo dục, truyền thông phổ biến kiến thức về sức khỏe tâm thần, các yếu tố thuận lợi làm phát sinh bệnh để cộng đồng hiểu biết và tự phòng ngừa; Tuyên truyền các biện pháp hạn chế tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn trong sinh hoạt và các nguyên nhân gây rối loạn tâm thần; Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giám sát, quản lý người bệnh ở cộng đồng để duy trì tốt điều trị, hạn chế tái phát và ngăn chặn kịp thời những hành vi nguy hiểm; Huy động cộng đồng xã hội tích cực tham gia phòng ngừa và nâng đỡ người bệnh tâm thần, coi đây không chỉ là nhiệm vụ của cán bộ y tế mà còn là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.



Cán bộ y tế đang cho bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội Hòa Bình uống thuốc
Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây