NGHỊ QUYẾT 128/NQ-CP CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC, Ý NGHĨA QUYẾT ĐỊNH

Thứ năm - 06/10/2022 21:05 345 0
Tổng thuật: Tọa đàm 'Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định'
Để làm rõ hơn về ý nghĩa của việc chuyển hướng chiến lược theo Nghị quyết 128/NQ-CP với những thành quả kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội thời gian qua, nguyên nhân của những kết quả đạt được, triển vọng phát triển những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và những năm tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định".

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19. Một năm sau khi Nghị quyết đươc ban hành, dịch bệnh được kiểm soát ngày càng vững chắc hơn, tình hình kinh tế - xã hội phục hồi nhanh và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, ấn tượng, nổi bật so với thế giới trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ.

Đây là những quyết định cân não, quan trọng và mạnh mẽ, thể hiện sự sáng suốt, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ, đưa đất nước chuyển sang giai đoạn mới vừa chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế. Các quyết định sáng suốt mang tầm chiến lược đã chứng minh hiệu quả trong phục hồi và phát triển kinh tế để đưa Việt Nam là một trong những điểm sáng nổi bật trong phát triển kinh tế sau đại dịch.

Các khách mời tham dự Tọa đàm (từ trái sang): Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam; TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế; ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để làm rõ hơn về ý nghĩa của việc chuyển hướng chiến lược theo Nghị quyết 128 với những thành quả kiểm soát dịch, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua, nguyên nhân của những kết quả đạt được, triển vọng phát triển những tháng cuối năm 2022, đầu năm 2023 và những năm tới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Nghị quyết 128/NQ-CP - Chuyển hướng chiến lược, ý nghĩa quyết định".

Tham dự toạ đàm có các vị khách mời gồm:

1. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

2. Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế

3. TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

4. Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam

5. Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) (tham dự trực tuyến)

6. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Tọa đàm được phát trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ, Fanpage Thông tin Chính phủ.

Tất cả Tổng thuật

14:49 ngày 05/10/2022

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: TS. Phan Đức Hiếu có nói cố gắng quyết liệt nhưng hiệu quả là quan trọng. Chúng ta vừa rồi đã đạt được kết quả rất đáng khen thưởng, đáng ghi nhận. Xin hỏi TS. Hiếu, nếu so sánh tình hình của Việt Nam với thế giới hiện nay thì như thế nào? So với các quốc gia thời gian vừa qua có những cú sốc, hay so với khủng hoảng năm 1997, 2008. Ông đánh giá thế nào về chính sách ứng phó hiện tại của Việt Nam so với các cuộc khủng hoảng trước đây, cách ứng xử của mình so với trước đây như thế nào?

TS. Phan Đức Hiếu: Chúng ta rất chủ động, chủ động từ rất sớm hướng đến cách tiếp cận tổng thể - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Phan Đức Hiếu: Trước hết nếu so sánh tình kinh tế xã hội nói chung thì rõ ràng chúng ta thấy Việt Nam là một đất nước rất hội nhập. Xét về kinh tế, chúng ta cứ nhìn cán cân thương mại, xuất nhập khẩu thì rõ ràng những yếu tố bên ngoài đều có tác động trực tiếp, một chừng mực nào đó là gián tiếp, đến Việt Nam. Như vậy thì chúng ta không thể có sự khác biệt. Ở đâu đó có khác biệt thì có lẽ chỉ là vấn đề về thời gian, ví dụ như diễn biến của dịch bệnh, diễn biến của kinh tế có thể nhanh, chậm đâu đó. Tôi cho rằng, hiện nay Việt Nam đang là quốc gia bị tác động khá là trực tiếp. Những thông lệ quốc tế tốt cũng là một trong những nguồn thông tin Việt Nam luôn luôn tìm kiếm, học tập, cân nhắc để đưa vào áp dụng.

Thứ hai, nếu như so sánh cách ứng phó với khủng hoảng, đặc biệt là trước đây có cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, 2008, tôi thấy nổi lên điểm khá khác biệt. Đó là tính chủ động của chúng ta. Rõ là tính chủ động của chúng ta đang được cải thiện, đang được thực thi rất tốt.

Quay trở lại trước đây, chúng ta có thể bị động rất nhiều, và đâu đó có cả chủ quan, đâu đó những tác động bên ngoài chưa tác động ngay vào Việt Nam. Hai bài học ấy đã bắt đầu được rút ra từ phía chúng ta. Đặc biệt trong giai đoạn đầu chống dịch, chúng ta đạt được một số thành quả, chúng ta chuyển sang thế chủ động. Ví dụ đầu năm 2021, trước khi ta có Nghị quyết 128, tại thời điểm đó Quốc hội có kỳ họp đầu tiên. Ngay tại Nghị quyết đầu tiên đã giao cho Chính phủ nghiên cứu xây dựng Chương trình tổng thể về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Có nghĩa là chúng ta rất chủ động, chủ động từ rất sớm hướng đến cách tiếp cận tổng thể. Chúng ta cũng rất nỗ lực, bài bản, rất khoa học, tham vấn rộng rãi như khi xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế, chúng ta tham vấn cộng đồng quốc tế. Ở đây anh John cũng đã tham gia diễn đàn của Quốc hội khi tham vấn ý kiến, rồi IMF, ADB, AmCham, các hiệp hội... Như vậy chúng ta xây dựng Chương trình phục hồi phát triển kinh tế ở một tư thế chủ động, bài bản hơn dựa trên tính chất khoa học, cân đối với nguồn lực, bối cảnh của Việt Nam.

Tôi cho đấy là điểm khác biệt lớn nhất so với cách chúng ta ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Đây tiếp tục vẫn là những điểm mà chúng ta cần coi như bài học để có thể ứng phó kịp thời, hiệu quả với những cuộc khủng hoảng tiếp theo.

14:47 ngày 05/10/2022

Chủ tịch AmCham Việt Nam: Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Nói về sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xin được hỏi ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham Việt Nam, trong thời gian một năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần trực tiếp làm việc với các nhà đầu tư, trong đó có AmCham. Ông đánh giá như thế nào về sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, của Thủ tướng Chính phủ với các nhà đầu tư nói chung và với các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng? Và điều đó đã hỗ trợ các nhà đầu tư như thế nào?

Ông John Rockhold: Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động quan tâm đến những quan ngại cũng như sẵn sàng tiếp nhận những kiến nghị của các doanh nghiệp, bao gồm ý kiến từ các doanh nghiệp FDI và cả AmCham, ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Việc đối thoại thường xuyên giữa doanh nghiệp và Chính phủ có vai trò quan trọng tạo nên những cơ hội để giải quyết các vấn đề, và kịp thời điều chỉnh chính sách hướng đến các ưu tiên chung của Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững.

Chúng tôi thực sự đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam đối với các doanh nghiệp FDI và AmCham.

14:44 ngày 05/10/2022

Tư duy của chúng ta bài bản hơn, chiến lược hơn

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin cảm ơn những cảm nhận của Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Thứ trưởng đã đánh giá rất rõ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian vừa qua, có thể tóm lại 3 ý bao trùm là: Quyết liệt - Sâu sát - Linh hoạt. Sau đây xin được nghe ý kiến của TS. Phan Đức Hiếu từ bên Quốc hội?

TS. Phan Đức Hiếu: Chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm rất cao - ẢNh: VGP/Nhật Bắc

TS. Phan Đức Hiếu: Tôi nhất trí với ý kiến của Thứ trưởng Trần Quốc Phương. Xét về mặt tích cực, đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế-xã hội. Ngoài 3 ý mà Thứ trưởng Trần Quốc Phương đã đề cập, tôi cho rằng chúng ta đã nỗ lực, quyết tâm rất cao.

Tôi bổ sung thêm một ý nữa là tư duy của chúng ta bắt đầu chuyển từ trạng thái theo sự việc ngắn hạn sang bài bản hơn, chiến lược hơn. Ngay cả các biện pháp giải quyết tình huống trước mắt cũng đã tính đến tác động và những câu chuyện dài hạn hơn.

Thứ ba quan trọng nhất là chúng ta đã thành công với NQ128. Ví dụ câu chuyện của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã đề cập đến là chiến lược vaccine, chúng ta đã có sự đồng lòng phối hợp và chúng ta đã rất thành công trong chiến lược vaccine. Đấy là điểm tích cực để chia sẻ.

14:37 ngày 05/10/2022

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Cảm ơn bà đánh giá rất cao cố gắng của Chính phủ Việt Nam, nhất là với ngành Y tế, không chỉ là năng lực mà còn sự tận tụy, tận hiến của đội ngũ y bác sĩ. Bên cạnh đó, chúng ta thấy Chính phủ Việt Nam thời gian vừa qua, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã hành xử quyết liệt trong việc điều hành đất nước khi triển khai hàng loạt giải pháp. Xin hỏi Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, ông đánh giá thế nào về sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ? Ông ấn tượng nhất điều gì trong cách chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Cần phải nhìn nhận rằng, với kết quả nền kinh tế Việt Nam đã đạt được cho đến thời điểm này, rất nhiều tổ chức quốc tế, các chuyên gia cũng đã nhận định một cách khách quan, đánh giá cao về cách chỉ đạo điều hành của Chính phủ khi đối phó với dịch bệnh. Bản thân là người làm trong bộ máy Chính phủ, chúng tôi cũng cảm nhận rất rõ nét về cách điều hành của Chính phủ. Tôi cũng xin chia sẻ một số ấn tượng của cá nhân tôi về công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Thứ nhất là ấn tượng về sự chỉ đạo quyết liệt và sự sát sao của Thủ tướng Chính phủ đến tất cả các vấn đề, các lĩnh vực của hoạt động kinh tế-xã hội. Ngành KHĐT của chúng tôi thường xuyên được Thủ tướng quan tâm và chỉ đạo sát sao khi Thủ tướng liên tục chỉ đạo quyết liệt và giám sát đến kết quả cuối cùng.

Ví dụ như trong lĩnh vực đầu tư công, Thủ tướng rất sốt ruột với việc giải ngân và liên tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bằng rất nhiều cuộc họp trực tuyến. Chính phủ ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết quan trọng, thành lập các tổ công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc hoạt động giải ngân.

Thứ hai, tôi cảm nhận được sự chỉ đạo sát sao, kịp thời, linh hoạt của Chính phủ và Thủ tướng. Thủ tướng liên tục nhắc nhở và chỉ đạo phải nắm chắc tình hình và kịp thời tham mưu để ban hành chính sách kịp thời, hiệu quả.

Từ quan điểm đó dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ rất linh hoạt và hiệu quả.

Chúng ta hôm nay ngồi đây để có thể thấy rằng NQ128 là bằng chứng rõ nét nhất từ việc nắm chắc tình hình thực tế trên cơ sở thực tiễn, lợi thế và các kết quả có sẵn để chúng ta điều chỉnh chính sách kịp thời.

Liên quan đến các tác động của tình hình kinh tế thế giới đến Việt Nam thời gian vừa qua như giá cả hàng hoá, xăng dầu, lạm phát, các điều chỉnh lãi suất của Fed… Thủ tướng đã liên tục chỉ đạo các cơ quan như Tài chính, Công Thương, Ngân hàng phải nắm chắc, nắm rõ để tham mưu cho Chính phủ các điều chỉnh chính sách phù hợp nhất để đạt mục tiêu dài hạn, lâu dài tạo nền tảng kinh tế phục hồi vững chắc.

Thực sự rất nhiều chính sách, nghị quyết ban hành vừa qua đã cho thấy hiệu quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. Ví dụ như Nghị quyết 124 về thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Ngay sau khi nghị quyết này được ban hành, kết quả giải ngân đã tăng lên nhiều so với trước đó.

Chúng tôi rất ấn tượng với cách chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Xin trích lời 1 đồng chí lãnh đạo: Ngoài công tác chỉ đạo điều hành có sự nỗ lực cố gắng rất nhiều của bộ, ngành, địa phương. Ngay sau khi Tổng cục Thống kê công bố chỉ số GDP 9 tháng, đạt kết quả mĩ mãn như vậy thì số tóc bạc trên đầu các đồng chí bạc thêm khi tham gia cùng Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành để đạt kết quả như vậy.

14:36 ngày 05/10/2022

Các nước có thể học hỏi kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin hỏi TS. Angela Pratt, đến thời điểm này, WHO đánh giá như thế nào về những thành quả phòng chống dịch và củng cố, nâng cao năng lực y tế của Việt Nam?

TS. Angela Pratt: Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Angela Pratt: Nhìn chung, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc quản lý đại dịch. Ngay từ đầu COVID-19, Việt Nam đã có các biện pháp xã hội và sức khỏe cộng đồng thực sự mạnh mẽ để ứng phó với COVID-19. Đơn cử như: Năng lực tốt trong phát hiện sớm và ứng phó với các trường hợp và cụm; giám sát và năng lực kiểm tra tốt; các biện pháp kiểm soát biên giới mạnh mẽ và hạn chế tiếp xúc xã hội đã ngăn chặn sự lây truyền của virus; tuân thủ tốt các hành vi bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang; việc chăm sóc sức khỏe được thực hiện kịp thời. Tất cả các biện pháp này đều giữ cho số ca mắc và tử vong sớm trong đại dịch ở mức thấp.

Tiếp sau đó, khi có vaccine, Việt Nam triển khai tiêm vaccine và nhanh chóng đạt được độ bao phủ dân số thực sự cao. Hơn 260 triệu liều vaccine đã được tiêm, trở thành một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Vào thời điểm này năm ngoái, chỉ có 16% dân số đã được tiêm 2 liều. Hiện tại là hơn 85%. Tất cả những kết quả đáng ghi nhận này nhờ vào sự lãnh đạo và cam kết của Chính phủ. Chúng ta đã có các chính sách và hướng dẫn kịp thời và phù hợp, bao gồm cả Nghị quyết 128.

Cùng với đó là nỗ lực và sự hy sinh của cộng đồng, kể cả trong thời kỳ giãn cách thực sự khó khăn. Việt Nam đã kiên định với các biện pháp và thực thi hiệu quả những chính sách đó. Một yếu tố quan trọng là sự không mệt mỏi của ngành y tế. Được sự hỗ trợ của các ngành, họ làm việc không ngày nghỉ, suốt ngày đêm. Tôi đặc biệt muốn ghi nhận những nỗ lực và cam kết của các nhân viên y tế. Các nước trên thế giới có thể học hỏi kinh nghiệm từ công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bài học này cũng cần được phát huy, chuẩn bị để ứng phó với các đại dịch khác trong tương lai.

14:29 ngày 05/10/2022

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Nền tảng cơ bản để Việt Nam thực hiện mở cửa an toàn, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là việc kiểm soát dịch bệnh. Không khống chế được là thua nó. Xin Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm là trong một năm qua, dịch bệnh đã được kiểm soát như thế nào, đặc biệt là về kết quả tiêm vaccine của Việt Nam được đánh giá là một trong 5 nước có tỉ lệ mũi tiêm vaccine bình quân đầu người cao nhất thế giới?

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Chúng ta thực hiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đến nay dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát. Tỉ lệ tử vong trên tổng số mắc ở Việt Nam là 0,02% trong khi trung bình thế giới xấp xỉ 1,2%. Tiêm vaccine phòng COVID-19 là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch.

Xác định vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định, là biện pháp phòng dịch hữu hiệu nhất, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt: Bằng mọi khả năng để tiếp cận được với vaccine sớm nhất, nhanh nhất với phương châm "vaccine tốt nhất là vacicne được tiếp cận sớm nhất". Nhiều biện pháp để thúc đẩy tiếp cận, bao phủ vaccine đã được triển khai khoa học, đồng bộ, hiệu quả, trên mọi phương diện: Từ thành lập Quỹ vaccine huy động nguồn lực từ ngoại giao vaccine đến tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thần tốc, lớn nhất, chưa từng có trong lịch sử, miễn phí cho toàn dân, người dân được tiếp cận công bằng với vaccine. Chúng ta đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, tổ chức các điểm tiêm chủng lưu động tại cộng đồng, các địa điểm công cộng, trường học, thậm chí tổ chức đến từng hộ gia đình nhằm đảm bảo mọi người dân đều được tiêm chủng.

Tổ chức Y tế Thế giới ghi nhận, đánh giá Việt Nam có chiến lược sử dụng vaccine phù hợp, hiệu quả với cam kết thực hiện của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, là quốc gia đi sau nhưng về trước trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Tính đến ngày 30/9/2022, Việt Nam đã triển khai tiêm chủng được hơn 260 triệu liều vaccine an toàn, hiệu quả, khoa học. Tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%, tỉ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đã đạt mục tiêu. Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm, sử dụng đa dạng các loại vaccine, là quốc gia có số liều vaccine sử dụng, tỉ lệ bao phủ vaccine cao và tốc độ tiêm chủng nhanh so với các nước trên thế giới. Tỉ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới. Tỉ lệ tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Pháp, Đức, Italy. Việc tiêm chủng vaccine rất thành công góp phần quan trọng trong phòng chống dịch COVID-19.

14:27 ngày 05/10/2022

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được hỏi ông John Rockhold, việc thay đổi chính sách chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến các các doanh nghiệp FDI như thế nào? Nếu không kịp thời thay đổi, theo ông, các chuỗi cung ứng sản xuất có bị đứt gãy không?

Ông John Rockhold, Chủ tịch AmCham tại Việt Nam: Nghị quyết 128/NQ-CP phản ánh sự thay đổi trong chiến lược phòng chống dịch của Việt Nam. Chiến lược này cũng được các nước trên thế giới sử dụng rộng rãi. Hiện tại hầu hết các quốc gia đang chấp nhận sống chung với virus, tức vừa chống COVID-19, vừa đồng thời phát triển kinh tế. Sự thay đổi này có ý nghĩa to lớn giúp duy trì các chuỗi cung ứng cũng như thu hút sự quan tâm của các công ty FDI khi đầu tư vào Việt Nam.

Các thành viên của AmCham là các công ty hàng đầu thế giới về các giải pháp trong chăm sóc sức khỏe và chúng tôi hoan nghênh những giải pháp trong thời gian tới để tiếp tục khôi phục sự linh hoạt cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng như du lịch.

14:14 ngày 05/10/2022

Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Những thành tựu phục hồi kinh tế rất là ấn tượng. Tại cuộc tọa đàm đầu năm nay do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 4/1/2022, các đại biểu đều thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết 128 (NQ 128) là bước chuyển hướng chiến lược kịp thời. Nói cách khác, nếu không có Nghị quyết này, thì không biết tình hình thế nào. Quý vị hình dung thế nào về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay? Trước tiên xin mời đại diện WHO cho ý kiến?

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: NQ128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Hôm nay là ngày thứ ba của tôi có mặt tại Việt Nam và rất vinh dự được có mặt tại buổi Tọa đàm này.

NQ128 là dấu mốc vô cùng quan trọng của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, là sự chuyển đổi rất quan trọng từ việc kiểm soát virus, kiểm soát sự lây lan bằng mọi giá và bây giờ chuyển sang trạng thái chung sống với COVID-19, hoặc quản lý bền vững để có thể cân bằng giữa việc áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 cộng với việc mở cửa nền kinh tế, xã hội.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra tác động rất lớn đối với Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đánh giá đầy đủ những tác động về mặt xã hội. Trong đó rất nhiều người bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và sức khỏe nói chung. Vì vậy phải cân bằng các biện pháp khi mở cửa nền kinh tế.

Theo tôi, Việt Nam đã rất sáng suốt trong việc đưa ra Nghị quyết này. Trước hết Việt Nam đã bao phủ tỉ lệ tiêm chủng rất cao và tỉ lệ này gia tăng theo thời gian. Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát lây lan của virus ngay từ giai đoạn đầu của đại dịch nhờ áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và các biện pháp tại nơi công cộng… Tôi cho rằng đó là một bài học kinh nghiệm nữa được rút ra ngay từ đầu đại dịch và có thể ứng dụng trong các giai đoạn tiếp theo trong việc kiểm soát và quản lý COVID-19. Thông qua Nghị quyết đã hỗ trợ nỗ lực này rất lớn.

NQ128 được đưa ra thông qua một quá trình có sự tham vấn rất sâu rộng với sự lãnh đạo của Chính phủ có sự tham gia của các bộ ngành, các đối tác, chính quyền địa phương, các đối tác quốc tế. Đây là một trong những bài học quan trọng nhất chúng ta học được trong phòng chống COVID-19, bởi vì ngành y tế không thể một mình đương đầu với COVID-19 được mà cần sự chung tay chung sức của toàn xã hội.

NQ128 là văn bản vô cùng quan trọng giúp chúng ta cân bằng phát triển xã hội nói chung cũng như áp dụng các biện pháp y tế công cộng. Những điều Việt Nam đưa vào NQ128 cũng là những điều Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo. Sau 1 năm chúng ta đang ở vị thế thoải mái hơn điều đó đã thể hiện rất rõ hiệu quả của Nghị quyết này.

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Bà Trưởng đại diện WHO đã nêu ra các nguyên nhân đằng sau để Việt Nam đạt kết quả như vậy: Chiến dịch vaccine, kinh nghiệm ngay từ đầu giữ cho dịch lây lan vừa phải. Một kinh nghiệm quan trọng nữa là không phải chỉ ngành y tế chiến đấu một mình mà cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Đó là sự điều phối chung của Chính phủ và các ngành cùng phối hợp. Sau đây xin lắng nghe ý kiến của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương!

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: COVID-19 là một đại dịch chưa từng có trong tiền lệ, đã, đang và còn tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Cho đến nay, toàn thế giới đã có hơn 612 triệu người mắc, hơn 6,5 triệu người tử vong.

Nhớ lại những ngày khó quên cách đây hơn 1 năm, đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, lúc đó thế giới còn chưa hiểu biết nhiều về dịch bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có đủ vaccine để phòng bệnh, người dân hoang mang. Nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đã phải áp dụng các biện pháp hành chính để kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như giãn cách xã hội, cách ly diện rộng.

Tuy nhiên chiến lược này chỉ tập trung vào phòng chống dịch, kiểm soát được dịch bệnh nhưng lại ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội. Nếu kéo dài sẽ có thể dẫn đến đình trệ các hoạt động đời sống, kinh tế và gây bất ổn xã hội. Trước đại dịch nguy hiểm chưa từng có này, nhiều quốc gia hùng mạnh đều lúng túng, bị động. Khi đó đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đã quyết liệt chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "chống dịch như chống giặc nhưng phải đảm bảo khoa học, đồng bộ, hiệu quả".

Tại thời điểm cam go này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Đây là 1 quyết sách sáng suốt, táo bạo, dũng cảm, thay đổi căn bản tư duy trong chiến lược phòng, chống dịch, quyết sách căn cứ vào kinh nghiệm thực tiễn trong nước, quốc tế, các bằng chứng khoa học, bám sát dự báo tình hình dịch bệnh, khả năng tiếp cận, cung ứng và tỉ lệ bao phủ vaccine phòng bệnh, sự sẵn có của thuốc điều trị với mục tiêu đặt tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, vừa đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh vừa tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Thực tế cho đến nay đã chứng minh Nghị quyết 128 là kịp thời, đúng đắn, tại thời điểm quyết định thành công: dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống của người dân trở lại bình thường, trẻ em được vui chơi, đến trường học tập an toàn.

Nghị quyết 128 được dư luận, Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao và cho rằng Nghị quyết đã tạo ra bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng, chống dịch, tạo sự linh hoạt, phá vỡ tình trạng đóng băng trong sinh hoạt của người dân cũng như các hoạt động kinh tế xã hội ở một số nơi trong thời gian trước; là chìa khóa hóa giải khó khăn, tạo tiền đề để thực hiện thành công mục tiêu kép, ổn định xã hội, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới. 

NQ128 là giúp chúng ta tự tin hơn

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Xin được lắng nghe ý kiến của TS. Phan Đức Hiếu về nội dung này.

TS. Phan Đức Hiếu: Trước hết, tôi rất nhớ cảm giác đọc NQ128 ngay sau khi được ban hành. Tôi chia sẻ ý kiến của bà Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam là sự thay đổi về cách tiếp cận, phương pháp chống dịch và phát triển kinh tế. Từ việc chống dịch bằng mọi giá tại thời điểm đó, chúng ta nhắc nhiều đến từ "mục tiêu kép" tức là phải cân bằng giữa việc chống dịch và phát triển kinh tế. Đó là việc đằng sau của NQ128. Chúng ta hình dung ra cách tiếp cận mới này là chiến lược hơn, dài hạn hơn, tổng thể hơn. Tâm thế của chúng ta bắt đầu thay đổi, trước đây đâu đó chúng ta hơi sợ hãi, lúng túng, bị động, các địa phương độc lập với nhau thì nay phải thay đổi hẳn, buộc phải hợp tác với nhau, tự tin hơn trong giải quyết các vấn đề. Bài học đến bây giờ của NQ128 là giúp chúng ta tự tin hơn trong việc giải quyết tất cả vấn đề sau đó. Đây là điểm đạt được rất lớn.

Thứ hai là tác động đến các con số phát triển kinh tế. Trước khi chúng ta có NQ128, doanh nghiệp rất lúng túng và bị động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh vì không lường trước được các biện pháp chống dịch như thế nào. Sau khi có NQ128, doanh nghiệp khôi phục được niềm tin, xây dựng được chiến lược kinh doanh dài hạn và không lo lắng có thể bị chấm dứt hay gián đoạn bất kể khi nào và gây thiệt hại cho mình. Người dân cũng vậy, họ bắt đầu xây dựng cho mình kế hoạch sinh sống, làm việc dài hạn hơn. Nếu không có kế hoạch bài bản, dài hạn vững chắc thì rất khó tạo ra thành quả như ngày hôm này.

Tôi cho rằng những bài học của Nghị quyết 128 rất nên rút ra ở 2 điểm: Đối với doanh nghiệp quan trọng nhất là tuyên bố rõ ràng, công khai, minh bạch, có thể dự đoán được và dài hạn. Đó là những điều rất nên coi là bài học cho phát triển từ nay đến những năm tiếp theo.

14:05 ngày 05/10/2022

Kết quả tăng trưởng trong quý III/2022: Không phải con số ngẫu nhiên

TS. Nguyễn Sĩ Dũng: Vẫn là câu chuyện cách đây hơn 1 năm, ngày 29/9/2021, Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất trong lịch sử kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý. Sau một năm, xin hỏi Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay, với kết quả tăng trưởng GDP quý III và 9 tháng vừa được công bố cách đây vài ngày?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: kết quả tăng trưởng trong quý III năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Chúng ta đều đã biết, NQ128 được triển khai đến nay đã tròn 1 năm và đây là Nghị quyết có tác động mạnh mẽ đến mọi hoạt động kinh tế-xã hội trong cả nước.

Thời điểm cuối tháng 9/2021, khi Tổng cục Thống kê công bố kết quả tăng trưởng GDP, mức giảm rất sâu, -6%. Nguyên nhân bởi khi đó chúng ta kiểm soát dịch bệnh bằng cách hạn chế sự di chuyển của người dân nhằm hạn chế sự lây lan. Việc kinh tế tăng trưởng âm cho thấy sự khốc liệt của dịch bệnh COVID-19 thời điểm đó.

NQ128 ra đời là bước ngoặt mạnh mẽ và tác động kịp thời tới sự tăng trưởng của cả nền kinh tế. Ngay quý IV/2021, GDP cả nước đã đạt kết quả dương. Và từ đó cho đến nay, bước sang quý III/2022, cùng với NQ128 là Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do Quốc hội ban hành và một số giải pháp khác đã tác động rất tích cực tới cả nền kinh tế.

Với các giải pháp bổ sung như vậy, đến nay, chúng ta thấy rõ nét sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và sự phục hồi đó được duy trì cho đến nay, hướng đến trạng thái phục hồi và tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.

Vừa rồi, Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng năm nay với con số tăng trưởng GDP là 13,67% so với cùng kỳ năm trước do quý III/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là con số ta chưa bao giờ thấy được khi kết quả tăng trưởng GDP lên tới 2 con số. Và bình quân 9 tháng đạt tăng trưởng 8,83%, cũng là mức tăng trưởng cao.

Có thể thấy, kết quả tăng trưởng trong quý III năm nay với con số 13,67% không phải con số ngẫu nhiên mà là sự tăng trưởng thực chất của nền kinh tế do nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi.

Thời điểm dịch bệnh diễn ra và sau dịch bệnh, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong năm nay, chúng ta cũng gặp nhiều khó khăn khi giá vật liệu đầu vào cho sản xuất tăng rất cao nhưng ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2022 tiếp tục tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, ngành công nghiệp có xu hướng phục hồi nhanh với mức tăng 9 tháng năm 2022 đạt 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%.

Về dịch vụ, với chính sách mở cửa du lịch, hầu hết các ngành dịch vụ trong nước đều phục hồi. Du lịch quốc tế vẫn còn đang ở con số khiêm tốn, tính chung 9 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1.800.000 lượt người, gấp 16,4 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 85,4% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa có dịch COVID-19. Mặc dù vậy, những ngành khác như vận tải, dịch vụ đều phục hồi mạnh mẽ.

Có thể thấy, NQ128 đã đặt nền móng rất lớn, là bước ngoặt quan trọng tác động đến tăng trưởng kinh tế như ngày hôm bay./.

Nguồn: Chinhphu.vn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây