CÁCH XỬ TRÍ KHI TRẺ BỊ SỐT SAU KHI TIÊM VẮC XIN 6 TRONG 1

Thứ hai - 22/04/2024 23:17 31 0
Đối với trẻ nhỏ, việc tiêm ngừa vắc xin là điều vô cùng cần thiết và quan trọng. Chủng ngừa có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu, nhằm phòng chống các loại bệnh nguy hiểm mà hoàn toàn có thể ngăn ngừa bằng Vắc xin. Tuy nhiên, bất kỳ loại vắc xin nào cũng có thể có phản ứng sau tiêm, với vắc xin 6 trong 1 thường gặp nhất là sốt. Vậy nguyên nhân trẻ bị sốt sau khi tiêm phòng 6 trong 1 là gì?
Vắc xin 6 trong 1 là một loại vắc xin hỗn hợp được tiêm chủng nhằm ngăn ngừa 6 loại bệnh nguy hiểm ở trẻ em có trong 1 mũi tiêm. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 6 loại bệnh nguy hiểm đó là: Ho gà, Bạch hầu, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B và Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type B) gây ra Viêm Phối, Viêm tai giữa, Viêm màng não...
Về lịch tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cụ thể như sau: 
  • Mũi 1: Khi trẻ được 2 tháng tuổi (Tối thiểu là từ 6 tuần tuổi).
  • Mũi 2: Khi trẻ được 3 tháng tuổi.
  • Mũi 3: Khi trẻ được 4 tháng tuổi.
  • Mũi 4: Mũi tiêm nhắc khi trẻ được 18 tháng tuổi. 
Lưu ý:
  • Hoàn thành mũi tiêm nhắc trước 24 tháng tuổi.
  • Nếu mũi 3 tiêm muộn, khi trẻ trên 12 tháng tuổi thì khoảng cách mũi nhắc thứ 4 với mũi 3 tối thiểu là 06 tháng.

Cán bộ Trạm y tế xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy tiếm vắc xin 6 trong 1 cho trẻ 
Thông thường loại vắc xin này cần phải tiêm ít nhất là 3 mũi cơ bản, khoảng cách giữa mỗi lần tiêm tối thiểu là 28 ngày.

Tiêm phòng vắc xin 6 trong 1 cho trẻ nhằm ngăn ngừa, phòng tránh đặc hiệu nhóm gồm 6 bệnh khác nhau. Tuy nhiên, sau khi bé tiêm vắc xin 6 trong 1 có thể bị sốt. Tùy thuộc vào đặc điểm, tình trạng, đáp ứng của từng bé mà có thể có phản ứng sốt hoặc không. Có trẻ sốt nhẹ dưới 38.5 độ C, có trẻ sốt cao trên 38.5 độ C. Thông thường, trẻ bị sốt sau khi tiêm chủng trong 24 giờ đầu.
Ngoài triệu chứng sốt, em bé có thể gặp:
  • Tại vị trí tiêm: Sưng, nóng, đỏ đau. Đây là phản ứng của trẻ thường gặp với các thành phần tá dược hoặc kháng nguyên có trong vắc xin. Các biểu hiện này sẽ giảm và hết sau 1, vài ngày. Việc chườm lạnh, có thể giúp quá trình bình phục nhanh hơn nhưng không tự ý đắp bất kì vật gì lên vùng tiêm. 
  • Trẻ quấy khóc, khó chịu và mệt mỏi: Đây là do tình trạng đáp ứng miễn dịch của bé với vắc xin. Các dấu hiệu, triệu chứng này cũng sẽ giảm và hết sau 1 vài ngày.
  • Trẻ bú ít, lười ăn: Việc cơ thể tiếp nhận nhiều nhóm kháng nguyên có trong vắc xin, và đáp ứng của cơ thể bé có thể làm thay đổi vị giác, kèm theo có thể do nguyên nhân sốt, nên bé sẽ bú ít hơn. Biểu hiện này cũng tự hết sau 1, vài ngày. Xử trí: Chúng ta nên chia nhỏ số lần bú và tăng cường số lần cho trẻ bú.
Bên cạnh những phản ứng thông thường, còn có một số trường hợp có phản ứng ít gặp, hiếm thậm chí rất hiếm gặp như:
  • Mề đay, phù mạch nhanh;
  • Khó thở, tức ngực, thở rít;
  • Đau bụng hoặc nôn;
  • Tụt huyết áp hoặc ngất;
  • Rối loạn ý thức;
  • Khóc thét bất thường;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp;
  • Sưng viêm lan đến vị trí tiêm hoặc lan ra các khớp lân cận;
  • Viêm phế quản;
  • Trẻ nổi mề đay hoặc co giật;
  • Sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Khi có bất kì dấu hiệu, biểu hiện nào trên đây, chúng ta nên ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán, xử trí kịp thời.
Cách xử lý khi trẻ bị sốt
Sau khi tiêm phòng vắc xin 6 trong 1, trẻ xuất hiện sốt chúng ta nên bình tĩnh thực hiện các bước cụ thể như sau:
  • Trẻ bị sốt dưới 38.5 độ C: Đầu tiên cho bé chườm ấm, mặc quần áo thoải mái, thoáng mát, có thể thấm hút mồ hôi tốt, không cho trẻ ngồi hoặc nằm trực tiếp dưới quạt. Tăng cường cho trẻ bú bằng tăng số lần và thời gian mỗi lần bú. 
  • Trẻ bị sốt trên 38.5 độ C: Cho bé uống thuốc hạ sốt đúng với liều lượng, phù hợp với cân nặng cũng như độ tuổi của bé. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc hạ sốt mà không đáp ứng thì cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Kim Tuất (CDC Hòa Bình)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây