HĐND TỈNH GIÁM SÁT CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH

Thứ sáu - 20/10/2023 05:33 369 0
Chiều 19/10, Ban Văn hoá - Xã hội, Hội đồng Nhân dân tỉnh đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 – 2022 với Sở Y tế. Đồng chí Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, trưởng đoàn giám sát chủ trì hội nghị. Tiếp đón và làm việc với đoàn giám sát có đồng chí Bùi Thu Hằng – TUV, Giám đốc Sở Y tế, các đồng chí trong ban giám đốc, trưởng các phòng chức năng Sở, lãnh đạo các đơn vị y tế tuyến tỉnh…



Đồng chí Võ Ngọc Kiên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội, trưởng đoàn giám sát phát biểu khai mạc Hội nghị
Trong những năm qua, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt được những thành tựu quan trọng. Nhân dân trong tỉnh được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn. Nhiều chỉ tiêu chuyên môn không ngừng tăng lên, nhiều bệnh nguy hiểm được điều trị khỏi; dịch vụ y tế ngày một đa dạng; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc và chăm sóc bệnh nhân được cải thiện, việc cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế được đầu tư đáp ứng nhu cầu thiết yếu của công tác khám, chữa bệnh; trình độ đội ngũ cán bộ y tế và chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng được nâng cao. Việc tổ chức cấp cứu và điều trị luôn kịp thời, đảm bảo các kíp cấp cứu, thuốc, máu, dịch truyền sẵn sàng ứng cứu, xử lý các tình huống phát sinh, đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được triển khai tại các bệnh viện như: Kỹ thuật chẩn đoán và can thiệp tim mạch; Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn; Phẫu thuật nội soi khớp vai; Lấy đĩa đệm cột sống vi phẫu, tạo hình thẩm mĩ mắt…v.v. Cùng với chỉ tiêu giường bệnh ngày càng tăng, đến nay đã đạt 29,04 giường/vạn dân. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện kỹ thuật lâm sàng thuộc các chuyên ngành chính đạt 80% các danh mục kỹ thuật phân tuyến.
Mạng lưới y tế cơ sở của tỉnh Hòa Bình theo mô hình đa chức năng: tuyến huyện có 10 Trung tâm Y tế tại 10 huyện/thành phố thực hiện 3 chức năng: khám bệnh, chữa bệnh, dự phòng và dân số; hệ thống chăm sóc sức khỏe tại xã, phường, thị trấn là các trạm Y tế xã với tổng số 151 trạm. Chức năng của từng tuyến được quy định rõ ràng, như đối với Trạm Y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn, triển khai công tác y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với Trung tâm Y tế tổ chức khám bệnh, chữa bệnh đa khoa, triển khai các chương trình y tế dự phòng và dân số KHHGĐ, quản lý các Trạm Y tế trên địa bàn.
Hiện nay, 100% các Trạm Y tế xã trong toàn tỉnh và Trung tâm Y tế đã triển khai khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Điều này đã tạo thuận lợi cho mọi người dân có thẻ BHYT được hưởng quyền lợi ở tất cả hệ thống y tế trong tỉnh. Một số bệnh mãn tính đã được quản lý tại Trạm Y tế, người bệnh hàng tháng được khám, cấp phát thuốc ngay tại y tế cơ sở. Đối với các trường hợp vượt quá khả năng chuyên môn được giới thiệu đến trung tâm Y tế huyện. Từ năm 2018, Luật BHYT có hiệu lực về thông tuyến huyện, người dân không cần làm thủ tục chuyển tuyến từ xã lên huyện mà vẫn được đảm bảo quyền lợi BHYT theo Quy định. Trung tâm Y tế huyện trực tiếp quản lý chuyên môn trạm y tế, hàng tháng tổ chức giao ban chuyên môn để phổ biển, cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế, đồng thời triển khai các văn bản của cấp trên, định kỳ cử bác sỹ đi giám sát, hỗ trợ chuyên môn cho trạm y tế nhằm tăng cường thực hiện dịch vụ kỹ thuật tại tuyến xã.
Nhìn chung mạng lưới y tế cơ sở tại tỉnh đã được duy trì và củng cổ trong nhiều năm nên việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến y tế cơ sở có nhiều thuận lợi. Kết quả đã chứng minh trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Ngành y tế đã triển khai và dùng mọi hình thức quản lý bệnh nhân tại cộng đồng: như tự cách ly điều trị tại nhà có cán bộ y tế theo dõi và cấp phát thuốc, thành lập trạm y tế lưu động.... Mặc dù dịch bệnh kéo dài nhưng người bệnh mãn tính vẫn được cấp phát thuốc hàng tháng. Điều này là nhờ có mạng lưới y tế cơ sở hoạt động hiệu quả. Tỷ lệ tử vong do Covid-19 của tỉnh Hòa Bình (0,05%) thấp so với tỷ lệ tử vong toàn quốc (0,4 %).
Bên cạnh đó, Ngành y tế Hoà Bình còn một số tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh như:
Nguồn nhân lực y tế chất lượng cao còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực. Chất lượng chẩn đoán và điều trị bệnh tại các cơ sở KBCB trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là y tế tuyến huyện và tuyến xã do thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao. Tình trạng chảy máu chất xám do nhân viên y tế xin thôi việc và chuyển công tác, đặc biệt là các bác sỹ đã gây ảnh hưởng lớn đến công việc của đơn vị, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch phát triển chuyên môn và phát triển nguồn nhân lực.
Công tác phát triển dịch vụ kỹ thuật cao, xã hội hóa công tác y tế còn nhiều bất cập. Hạ tầng kỹ thuật (phòng bệnh, phòng chuyên môn, công trình vệ sinh, hệ thống xử lý chất thải y tế,...) của một số bệnh viện, Trung tâm Y tế chưa được đầu tư đúng mức; trang thiết bị y tế tại các tuyến còn thiếu hoặc có nhưng không đồng bộ.
Dự báo tình hình các loại dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục gây áp lực lên hệ thống y tế và làm thay đổi các quy trình KBCB, tài chính y tế, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân… nhất là việc quản lý chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm như: Bệnh lý tim mạch, đột quỵ, ung thư, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính…
Cơ chế, chính sách về công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực KBCB còn nhiều bất cập, hạn chế, như: chính sách quy định mua bán thuốc, vật tư y tế, hóa chất, thiết bị y tế còn nhiều ràng buộc, dẫn đến tình trạng tổ chức đấu thầu mất quá nhiều thời gian, dẫn đến nhiều dịch vụ bị ngừng hoạt động. Các vật tư tiêu hao trong danh mục đầu thầu tập trung của Sở Y tế đến nay vẫn chưa có kết quả, việc mua sắm cấp bách theo chỉ đạo của UBND tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, thẩm định giá; Nhiều thiết bị đã hết khấu hao, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư thay mới, thiết bị không được bảo trì bảo dưỡng định kỳ do thiếu nguồn kinh phí. Nhiều văn bản quy định của Bộ Y tế còn khó khăn trong việc thanh quyết toán KBCB BHYT dẫn đến thời điểm hiện tại BVĐK tỉnh và một số đơn vị chưa được thanh toán do vượt tổng mức, do chưa có giá...
Tại buổi giám sát, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ rõ những mặt tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022.

Đồng chí Bùi Thu Hằng – TUV, Giám đốc Sở Y tế đề xuất những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng y tế trên địa bàn tỉnh
Để khắc phục tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc trong công tác khám bệnh, chữa bệnh, ngành y tế đề xuất một số giải pháp:
Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính cho các bệnh viện, các trung tâm y tế, nhất là các cơ sở y tế công lập; tham mưu xây dựng Nghị quyết Hội đồng nhân dân nhằm thu hút, hỗ trợ nhân lực y tế chuyên môn sâu về tỉnh công tác đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu tại Nghị quyết số 18-NQTU ngày 21/6/2023 của Tỉnh ủy Hòa Bình về việc ban hành Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về nâng cao chất lượng, năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2023-2025 và định hưởng đến năm 2030; Hoàn thiện các quy hoạch của ngành y tế, đầu tư, cải tạo hạ tầng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Đào tạo, phát triển, thu hút nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; Tăng cường các nguồn lực, xã hội hóa y tế để mở rộng đầu tư hạ tầng cơ sở khám chữa bệnh ngoài Nhà nước; Ứng dụng Công nghệ thông tin, cải cách hành chính và đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Võ Ngọc Kiên đáng giá cao những nỗ lực của Sở Y tế trong thực hiện chính sách, pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2020 - 2022. Đồng thời đề nghị ngành y tế đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính của các bệnh viện, trung tâm y tế: Phối hợp với ngành Bảo hiểm xã hội tháo gỡ những vướng mắc trong thanh toán Bảo hiểm y tế; Đổi mới thái độ, phong cách phục vụ người bệnh tại các cơ sở y tế; Thu hút, hỗ trợ nhân lực y tế chuyên môn sâu về tỉnh công tác; tăng cường nguồn lực, xã hội hoá y tế, mở rộng đầu tư hạ tầng cơ sở khám bệnh; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là nguồn nhân lực chất lượng cao, chính sách “giữ chân” cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ của Nhân dân… Đối với các đề xuất, kiến nghị của Sở Y tế, Ban Văn hoá - Xã hội sẽ tổng hợp, đôn đốc các ban ngành quan tâm, giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Thu Hương (CDC Hoà Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây