BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TĂNG HUYẾT ÁP VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Thứ năm - 28/03/2024 04:08 218 0
Tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong sớm ở bệnh nhân tim mạch. Việc không điều trị hoặc điều trị nhưng không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn đến biến chứng tăng huyết áp lên trên tim, não, thận và một số cơ quan khác. Bệnh tăng huyết áp nếu để lâu không điều trị hoặc điều trị không kiểm soát được huyết áp sẽ dẫn tới các biến chứng sau:

1. Suy tim

Khi huyết áp cao, tim co bóp tốn nhiều công hơn để bơm một lượng máu ra các mạch ngoại biên. Hậu quả của việc gắng sức lâu ngày này làm cơ tim dày lên, cứng hơn, ít đàn hồi giãn nở so với tim người bình thường, gây suy giảm chức năng hút máu về tim. Bệnh nhân sẽ có triệu chứng của suy tim khi máu về tim khó khăn, ứ đọng ở phổi gây khó thở, giảm khả năng làm việc gắng sức hoặc tức ngực.
Ngoài ra, người bệnh tăng huyết áp thường kèm bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim trước đó nên chức năng tim có thể giảm, tức là có suy tim phân suất tống máu giảm. Trong điều trị, nếu huyết áp không ổn định, thường xuyên cao sẽ thúc đẩy suy tim nặng lên, mất bù do tim làm việc với công lớn, tải nặng.

Điều trị cho bệnh nhân tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn

2. Biến chứng ở mắt

Huyết áp cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở đáy mắt (nằm phía sau nhãn cầu, gọi là võng mạc, nơi thu nhận hình ảnh khi nhìn), gọi là bệnh võng mạc do tăng huyết áp. Tổn thương mạch máu ở võng mạc mức độ nhẹ đến vừa có thể không gây triệu chứng gì, chỉ phát hiện được khi khám mắt, chụp võng mạc.
Khi đó sẽ thấy các mạch máu này đi ngoằn ngoèo, cứng, có chỗ hẹp, co thắt hoặc bị phù nề, nặng hơn là xuất huyết sau võng mạc hay phù gai thị dẫn đến nhìn mờ hoặc mù mắt.
Do đó, người bệnh tăng huyết áp cần khám mắt định kỳ, chụp võng mạc để phát hiện sớm biến chứng này. Điều trị kiểm soát huyết áp tốt giúp phòng tránh bệnh võng mạc do tăng huyết áp.  

3. Phình và bóc tách động mạch chủ

Huyết áp cao gây tăng áp lực lên thành động mạch chủ, lâu ngày làm thành mạch bị suy yếu, giãn lớn ra. Giãn động mạch chủ lên (đoạn vừa ra khỏi tim) hay gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp.
Động mạch chủ lên ở người trưởng thành có kích thước trung bình 30mm. Khi kích thước > 45mm thì gọi là phình động mạch chủ. Đoạn động mạch chủ bị phình có thành mạch yếu, nếu huyết áp cao dễ gây tổn thương, xé rách các lớp trong thành mạch dẫn đến bóc tách thành động mạch hay vỡ động mạch chủ, khiến người bệnh tử vong.
Khi động mạch chủ lên giãn ≥ 55mm thường cần can thiệp phẫu thuật hoặc đặt stent động mạch chủ để phòng ngừa bóc tách hay vỡ động mạch chủ. 
Bệnh nhân tăng huyết áp có phình động mạch chủ cần kiểm soát huyết áp chặt chẽ (< 120/70 mmHg), điều trị tích cực xơ vữa động mạch và theo dõi kích thước động mạch chủ thường xuyên bằng siêu âm tim hay chụp CT động mạch chủ. 

4. Bệnh động mạch ngoại biên 

Ảnh hưởng của huyết áp lên toàn bộ hệ thống mạch máu trong cơ thể như động mạch cảnh, động mạch cột sống, động mạch thận, động mạch nội tạng, đặc biệt là những mạch máu ở xa như động mạch hai chân. Các mạch máu này cứng lên, bị xơ vữa, vôi hóa gây hẹp hoặc tắc nghẽn.
Nếu hẹp hoặc tắc mạch ở chân, bệnh nhân có triệu chứng đau cách hồi, có nghĩa là đau đùi hoặc bắp chân khi đi được một đoạn đường, bệnh nhân ngồi nghỉ thì hết hoặc bớt đau, khi đi lại đoạn đường dài tương tự thì triệu chứng đau lại xuất hiện. Nặng hơn là người bệnh đau nhức chân cả khi nghỉ hoặc loét chân không lành do mạch máu bị hẹp, không đưa máu tới chỗ xa được.

5. Rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ

Tăng huyết áp và rối loạn trí nhớ thường gặp ở người cao tuổi. Nhiều nghiên cứu cho thấy tăng huyết áp làm tăng xơ vữa động mạch, dễ đưa đến nhồi máu não im lặng (nhồi máu não lỗ khuyết khi chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ não) và bệnh lý chất trắng dưới vỏ não, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ.

6. Rối loạn cương dương

Cứ 3 người tăng huyết áp thì có 1 người than phiền về rối loạn cương dương. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nên cần phải được điều trị. Có khi rối loạn cương dương là dấu hiệu sớm của bệnh tăng huyết áp khiến người bệnh đi khám.
Tăng huyết áp làm tổn thương lớp trong cùng của thành mạch máu, gọi là lớp nội mạc. Lớp này tiết ra chất NO (nitrite oxide), là một chất giãn mạch máu nội sinh trong cơ thể, chống lại co thắt mạch. Khi thiếu chất NO, cơ trơn mạch máu ở dương vật bị co thắt, không giãn ra được và gây rối loạn cương cứng.
Một số biến chứng khác của tăng huyết áp có thể kể đến như:
  • Đột quỵ;
  • Tổn thương thận;
Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch tăng khi huyết áp cao. Với mức huyết áp (HA) bình thường 115/75 mmHg, cứ mỗi mức tăng HA thêm 20/10 mmHg, nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sẽ nhân lên gấp đôi. 
Các nghiên cứu cho thấy khi kiểm soát huyết áp đạt mục tiêu thì giảm được 30% nguy cơ đột quỵ, 25% nhồi máu cơ tim và 23% bệnh thận mãn.
Để ngăn ngừa và phát hiện sớm biến chứng của tăng huyết áp, người bệnh cần:
  • Người ≥ 50 tuổi nên đo tầm soát huyết áp mỗi 6 tháng – 1 năm/lần.
  • Nếu đã được chẩn đoán tăng huyết áp, người bệnh cần uống thuốc đều đặn, theo dõi mức huyết áp khi điều trị.
  • Định kỳ (ít nhất mỗi năm 1 lần) làm các kiểm tra cận lâm sàng: tổng phân tích nước tiểu, tỷ lệ microalbumin/creatinin niệu, đo điện tim, siêu âm tim, xét nghiệm chức năng thận, đường máu, cholesterol máu, chụp võng mạc, siêu âm động mạch cảnh và đo ABI.
  • Duy trì chế độ sinh hoạt lành mạnh như tập thể dục đều đặn, không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia, kiểm soát cân nặng, ăn uống hợp lý, giảm căng thẳng, áp lực trong cuộc sống cũng góp phần phòng ngừa các biến chứng do tăng huyết áp gây ra.
Kim Tuất (CDC Hòa Bình)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây