BỆNH THỦY ĐẬU:  TRIỆU CHỨNG, BIẾN CHỨNG VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ

Thứ ba - 07/02/2023 03:41 772 0
Mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng trên dưới 30.000 trường hợp mắc thuỷ đậu, 90% bệnh nhân bị nhiễm thuỷ đậu là trẻ trong độ tuổi từ 2 - 7 tuổi. Thuỷ đậu tuy là bệnh lành tính, xong theo cảnh báo của các chuyên gia, bệnh này cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người mắc...
Thủy đậu (còn được gọi là bệnh trái rạ) là một bệnh lây nhiễm. Bệnh lây truyền từ người sang người qua cơ chế trực tiếp như: Những giọt nước bọt bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh qua hắt hơi, sổ mũi, nói chuyện hoặc lây trực tiếp từ dịch tiết của người bệnh sang người lành. Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung các đồ dùng, vật dụng như bàn chải đánh răng, khăn mặt mà các đồ dùng vật dụng này có dịch tiết từ tổn thương hoặc các giọt bắn từ nước bọt của người bị bệnh.
Thủy đậu là bệnh lây truyền do virus Varicella - Zoster gây nên. Khi một người bị nhiễm virus, sẽ nhân lên ở các tế bào biểu mô của niêm mạc đường hô hấp trên. Sau thời gian ủ bệnh từ 10 - 21 ngày, cơ thể sẽ bắt đầu phát ban dạng mụn nước phân bố rộng rãi.
Thủy đậu thường được cho là bệnh của thời thơ ấu, bởi 90% số bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi đi học (từ 1 - 14 tuổi). Ngày nay, nhờ vaccine và chương trình tiêm chủng mở rộng mà tỷ lệ mắc thủy đậu ở trẻ đã giảm đáng kể.
Bệnh thủy đậu thường nặng hơn ở trẻ sơ sinh và người bị suy giảm miễn dịch. Đối với trẻ trên 1 tuổi, các triệu chứng thường nhẹ và ít biến chứng.
Thủy đậu là bệnh miễn dịch 1 lần. Điều đó có nghĩa nếu một người từng bị thủy đậu thì sẽ không tái mắc bệnh. Tuy nhiên, virus vẫn tồn tại trong cơ thể người bệnh rất lâu sau khi đã khỏi bệnh. Nếu virus hoạt động trở lại, nó có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng là zona thần kinh.
Triệu chứng bệnh thủy đậu ở trẻ:
Giai đoạn trẻ mới nhiễm virus thủy đậu thường không có triệu chứng cho đến khoảng 2 - 3 tuần sau khi tiếp xúc mầm bệnh.
Thủy đậu có 4 giai đoạn với những biểu hiện khác nhau:
- Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này kéo dài khoảng từ 10 - 14 ngày, tức là từ lúc nhiễm virus đến khi cơ thể phát bệnh. Ở giai đoạn này, người bệnh không có biểu hiện gì cụ thể nên rất khó để phát hiện.
- Giai đoạn khởi phát
Khi mắc bệnh, ban đầu người bệnh sẽ cảm thấy cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức toàn thân, sốt nhẹ, nổi hạch đằng sau tai, viêm họng, phát ban (những hồng ban nổi trên da, có kích thước 1 - 3mm, sau đó trong 24 giờ nó phát triển thành bọng nước).
- Giai đoạn toàn phát
Giai đoạn này, sẽ thấy rõ các mụn nước hình tròn (đường kính khoảng 2mm) mọc ở toàn thân. Người bệnh bị sốt, hình thành các ban đỏ. Các ban đỏ này lúc đầu xuất hiện ở đầu, mặt, sau đó lan xuống thân mình và các chi. Tuy nhiên, ở những vùng ít tì đè như vùng liên bả, vùng mạng sườn thì tổn thương ban xuất hiện nhiều hơn, vùng 2 chi ít tổn thương hơn; đặc biệt ở lòng bàn chân, bàn tay hầu như hiếm gặp tổn thương.
Phát ban thường kéo dài 2 - 3 ngày, một số trường hợp đặc biệt có chấm sẩn nhỏ màu đỏ ở trên thân mình và hiếm khi người thường nhìn thấy, nhưng đây cũng là một trong những triệu chứng của phát ban. Sau khi phát ban sẽ xuất hiện các mụn nước. Các mụn nước này có hình ảnh như những giọt nước, giọt sương và có quầng đỏ xung quanh, làm cho bệnh nhân cảm thấy rất ngứa.
Ở giai đoạn toàn phát bệnh nhân có thể có những triệu chứng như viêm họng, sốt cao hoặc hạch sưng nếu như bị nhiễm trùng. Người bệnh sẽ đau đầu nhiều hơn, chán ăn và giảm sốt so với lúc khởi phát.
- Giai đoạn hồi phục
Mụn nước sẽ bị vỡ ra sau 7 - 10 ngày, khô lại và đóng vảy, bệnh dần khỏi, vùng da non của mụn nước có màu hồng. Khi mụn nước xuất hiện thì tiến triển của mụn nước lúc đầu có dịch màu trong, sau là màu vàng nhạt, dần dần khô và đóng vảy tiết. Thời gian xuất hiện vảy tiết kéo dài 4 - 5 ngày, sau đó tiến tới giai đoạn lành bệnh. Giai đoạn lành bệnh vảy tiết thường tồn tại từ 1 - 3 tuần rồi bong đi, khi bong sẽ để lại các dát màu hồng có thể có lõm hoặc trở về làn da bình thường. Các vùng lõm là do các mụn nước bị nhiễm trùng và tổn thương sâu.
Với trẻ khỏe mạnh đa phần bệnh sẽ không nghiêm trọng. Trong trường hợp nghiêm trọng, mụn nước có thể rất dày ở toàn bộ cơ thể, các tổn thương có thể ở cổ họng, mắt và niêm mạc của niệu đạo, âm đạo hoặc hậu môn.
Bệnh thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, thuốc bôi tại chỗ để chống bội nhiễm da.
Biến chứng có thể gặp ở bệnh thuỷ đậu
Thủy đậu là một bệnh lây nhiễm nhưng rất lành tính, biến chứng hiếm gặp. Tuy nhiên, điều trị không đúng cách hoặc người bệnh không tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ có thể sẽ gặp phải các biến chứng không mong muốn.
Các biến chứng có thể gặp là: 
Nhiễm trùng tại chỗ, tổn thương mụn nước có thể bị viêm nhiễm, hóa mủ, loét sâu xuống và vỡ ra. Chỗ tổn thương đó có thể rỉ máu, thường gặp những biến chứng này ở trẻ nhỏ do gãi nhiều.
Virus này cũng có thể dẫn đến viêm phổi nếu trẻ bị mắc bệnh thủy đậu rất nặng. Rất hiếm khi virus có thể tấn công hệ thần kinh trung ương, dẫn đến viêm màng não hoặc viêm não. Nguy cơ xảy ra biến chứng này cao hơn ở những trẻ có hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn như do ung thư hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch (điều trị lupus ban đỏ hệ thống, viêm da cơ địa, vảy nến…).
Khi bệnh thủy đậu đã khỏi, virus Varicella - Zoster không hoạt động nhưng chúng vẫn trú ngụ ở trong cơ thể trẻ. Các virus có thể hoạt động trở lại nhiều năm sau đó, dẫn đến bệnh zona thần kinh. Tình trạng này gây ra phát ban trên da và đau dây thần kinh bị tổn thương.
Hội chứng Reye: Hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ 4 - 9 tuổi. Gây ra tình trạng bệnh não cấp tính kèm theo rối loạn chức năng gan, gan to.
Ngoài ra, một số biến chứng hiếm gặp khác: Suy thượng thận, viêm cầu thận, viêm cơ tim, biến chứng trên mắt.
Những dấu hiệu thủy đậu ở trẻ mà cha mẹ nên biết - Ảnh 6.
Để tránh mắc thủy đậu trẻ cần thường xuyên vệ sinh tay sạch bằng xà phòng.
Cách điều trị bệnh Thủy đậu
Bệnh Thủy đậu được điều trị chủ yếu là thuốc kháng virus, thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol) theo hướng dẫn của bác sĩ khi bị sốt cao hoặc đau nhức do thủy đậu, đặc biệt giúp giảm đau khi có các tổn thương ở miệng.
Thuốc bôi tại chỗ nhằm mục đích chống bội nhiễm da như: Xanhmethylen, chỉ cần bôi những nốt phỏng đã vỡ để làm khô se bề mặt.
 Trong trường hợp trẻ ngứa nhiều, bác sĩ có thể kê thêm thuốc kháng Histamin giúp trẻ giảm ngứa hơn. Bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời để giảm tối đa nguy cơ biến chứng và tránh bị sẹo xấu.
Chính vì vậy, cha mẹ khi thấy trẻ có biểu hiện thủy đậu cần đưa tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Không tự ý mua thuốc, tự ý điều trị theo mách bảo.
Tiêm vaccine thủy đậu là biện pháp phòng tránh thủy đậu hiệu quả và lâu dài nhất. Với trẻ em việc tiêm ngừa vaccine thủy đậu càng quan trọng. Nếu gia đình có trẻ nhỏ, hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiêm theo đúng liều lượng quy định.
Lịch tiêm gồm:
Mũi 1: Tiêm khi trẻ trên 1 tuổi.
Mũi 2: Trẻ từ 1 - 13 tuổi: Tiêm cách mũi 1 tối thiểu 3 tháng.
Trẻ 13 tuổi trở lên: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 1 tháng.
Khi tiếp xúc với người đang mắc bệnh thủy đậu mà bản thân chưa tiêm ngừa vaccine thủy đậu, cần tiêm chủng trong 3 ngày sau đó.
Trường hợp nếu mắc bệnh thủy đậu đã được bệnh viện khám, xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị chính xác là bị bệnh thủy đậu thì không cần tiêm phòng bệnh thủy đậu nữa. Vì khi mắc bệnh thủy đậu, cơ thể đã có miễn dịch tự nhiên với bệnh này. Ngược lại, nếu đã từng bị mụn nước và tự chữa tại nhà, không đến cơ sở y tế. Khi đó, không chắc chắn chính xác đó có phải là thủy đậu hay không, bởi vì có nhiều bệnh cũng có triệu chứng khá giống với bệnh thủy đậu như Zona… khiến nhiều người nhầm lẫn. Trong trường hợp này sẽ không xác định được cơ thể đã có kháng thể phòng bệnh hay chưa và nguy cơ bị lây bệnh thủy đậu nếu có tiếp xúc rất cao. Tốt nhất hãy tiêm phòng thủy đậu để tránh trường hợp xấu có thể xảy ra.



Minh Thủy (CDC Hòa Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây