UNG THƯ CỔ TỬ CUNG – NGUY HIỂM NHƯNG DỄ PHÒNG NGỪA

Thứ hai - 30/01/2023 21:27 414 0
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý ác tính thường gặp từ độ tuổi 30 trở đi, đứng hàng thứ hai trong các ung thư sinh dục ở nữ giới về tỷ lệ mắc cũng như tỷ lệ tử vong. Ở Việt Nam, hàng năm có khoảng 2.500 - 2.700 trường hợp tử vong do ung thư cổ tử cung. Một trong những lý do dẫn đến tình trạng này là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và có hệ thống để phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp, dễ tiếp cận; và khi phát hiện tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Theo báo cáo cua Phòng khám đa khoa, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, Phòng khám Sức khoẻ Sinh sản của trung tâm đã tiếp nhận 850 lượt người bệnh đến khám phụ khoa và tầm soát UTCTC với các kỹ thuật: khám phụ  khoa, siêu âm tử cung, soi cổ tử cung, xét nghiệm Nhuộm phiến đồ tế bào theo Papanicolaou. Tính đến hết tháng 11/2022, chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ mắc UTCTC.
Bác Sĩ Bùi Thị Dậu, Trưởng khoa Chăm sóc Sức khoẻ Sinh sản, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình cho biết: “Nhiễm một hoặc nhiều typ Human Papillomavirus (HPV) nguy cơ cao đã được khẳng định là nguyên nhân tiền phát của UTCTC. HPV là tác nhân truyền qua đường tình dục. Nguy cơ nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời của người phụ nữ là khoảng 80%, với tỷ lệ nhiễm cao nhất xảy ra trong độ tuổi 20 – 30, có thể lên đến 20 – 25% trong quần thể. Sau lần nhiễm HPV đầu tiên, khoảng 5 – 10% các trường hợp có thể hình thành các biến đổi ở cổ tử cung do HPV. Đại đa số các trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi. Nếu người phụ nữ nhiễm HPV nguy cơ cao và phối hợp với các yếu tố nguy cơ khác, tổn thương ban đầu có thể tồn tại và tiến triển trong khoảng 10-20 năm qua các giai đoạn tân sản nội biểu mô để hình thành ung thư cổ tử cung xâm lấn”.
Các yếu tố nguy cơ của UTCTC bao gồm quan hệ tình dục sớm hoặc với nhiều người, sinh nhiều con, vệ sinh sinh dục không đúng cách, viêm cổ tử cung mạn tính, nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, điều kiện dinh dưỡng, kinh tế xã hội thấp; hút thuốc lá, đái tháo đường, sử dụng thuốc tránh thai đường uống loại phối hợp kéo dài (> 10 năm), nhiễm HIV, HSV-2. Tỷ lệ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ hiện mắc HPV, tỷ lệ này cũng cao hơn ở khu vực miền Nam so với miền Bắc. Nhiễm HPV có liên quan đến số lượng bạn tình và quan hệ tình dục sớm.
Ung thư cổ tử cung tạo ra các gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh, gia đình, hệ thống y tế và toàn xã hội. Năm 2012, tổng gánh nặng trực tiếp của UTCTC khoảng 1.755 tỷ đồng, xếp thứ 4 và chiếm khoảng 0,015% tổng GDP; gánh nặng gián tiếp khoảng 418 tỷ đồng, xếp thứ 5 trong số 6 loại bệnh ung thư thường gặp nhất. Ung thư cổ tử cung là bệnh nguy hiểm nhưng nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể gần như điều trị khỏi hoàn toàn, qua đó có thể làm giảm tử vong và gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do khoảng thời gian hình thành và tồn tại tổn thương tiền ung thư ở cổ tử cung tương đối dài; yếu tố nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ đã được xác định; mặt khác cổ tử cung là bộ phận có thể tiếp cận trực tiếp để quan sát, thăm khám, lấy bệnh phẩm và thực hiện các can thiệp điều trị nên đại đa số các trường hợp UTCTC có thể được phòng ngừa bằng cách sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị các thương tổn tiền ung thư./.

Hồng Dung - CDC Hòa Bình

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây