HỖ TRỢ KỸ THUẬT PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS TẠI CÁC TUYẾN

Thứ năm - 11/04/2024 03:54 26 0
Trong bối cảnh nguồn tài trợ của Quốc tế cắt giảm, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chuyển dần sang sử dụng nguồn kinh phí trong nước để đảm bảo tính bền vững.
Để đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao năng lực tuyến dưới bằng chính nguồn lực của địa phương. Năm 2015, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS đã nhanh chóng tham mưu cho Sở Y tế Hòa Bình ra Quyết định số 03/QĐ-SYT ngày 29 tháng 9 năm 2015 về việc thành lập nhóm Hỗ trợ kỹ thuật ( HTKT) phòng chống HIV/AIDS. Năm 2019, sau khi sáp nhập thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình, nhóm hỗ trợ kỹ thuật cũng được kiện toàn, thành phần tham gia nhóm là những cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn về phòng chống HIV/AIDS của các Khoa phòng chống HIV/AIDS, Khoa xét nghiệm CĐHA và TDCN, Khoa sức khỏe sinh sản, chương trình lao của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình và mời một số cán bộ y tế phòng khám ngoại trú HIV/AIDS của Bệnh viện đa khoa tỉnh tham gia.
Nhóm HTKT được chia làm 03 tổ kỹ thuật là: Tổ hỗ trợ kỹ thuật Tư vấn, xét nghiệm HIV; Tổ hỗ trợ kỹ thuật Điều trị và chăm sóc HIV/AIDS; Tổ hỗ trợ kỹ thuật Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Với Quy chế và chức năng nhiệm vụ, các Tổ kỹ thuật chuyên môn đã xây dựng kế hoạch hằng năm triển khai các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật về phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Nhóm HTKT giao ban định kỳ, báo cáo, đánh giá và rút kinh nghiệm cho từng chuyến hỗ trợ kỹ thuật, thảo luận đưa ra những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, tồn tại nhằm hỗ trợ các đơn vị triển khai các hoạt động, dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đúng theo yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật do Bộ Y tế quy định. Với những kết quả đạt được, nhóm đã góp phần tích cực giúp các cơ sở y tế trong ngành hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phòng chống HIV/AIDS hằng năm và góp phần vào hoàn thành các mục tiêu trong Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.
Tại tỉnh Hòa Bình, ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1996 và tính đến 31/12/2023 qua phần mềm giám sát HIV/AIDS của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh báo cáo lũy tích có 2.427 ca nhiễm HIV, số còn sống 1.256 và 1.171 trường hợp tử vong. Hiện tại 10/10 huyện, thành phố và 147/151 xã, phường có người nhiễm HIV. Hằng năm, tỉnh Hòa Bình luôn khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư dưới 0,3%, số lượng người nhiễm mới phát hiện và số lượng người tử vong do AIDS giảm dần hàng năm, số lượng người nhiễm HIV/AIDS được tham gia điều trị ARV tăng dần qua các năm, các dịch vụ xét nghiệm phát hiện, xét nghiệm khẳng định, điều trị HIV/AIDS đi vào hoạt động nề nếp và có chất lượng.
Đánh giá các mục tiêu 90-90-90 trong giai đoạn 5 năm (2020-2025) về thực hiện trong Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 cho thấy đến 31/3/2024, Hòa Bình đã đạt và vượt các chỉ tiêu mong đợi, cụ thể:
Mục tiêu thứ nhất:  90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của mình, hiện tại Hòa Bình đã đạt 91%
Mục tiêu thứ 2: 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, hiện tại Hòa Bình đã đạt 90%
Mục tiêu thứ 3: 90% người điều trị bằng thuốc ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát, hiện tại tỉnh Hòa Bình đạt 97%
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì chương trình phòng chống HIV/AIDS còn một số khó khăn tồn tại như nguồn kinh phí địa phương quá hạn hẹp, việc phối hợp các ban ngành đoàn thể tổ chức các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi phòng chống HIV/AIDS cho người dân tại cộng đồng và công nhân người lao động còn khá hạn chế, không đủ nguồn kinh phí hỗ trợ chi trả cho nhóm đồng đẳng viên, nhân viên tiếp cận cộng đồng tham gia chương trình phòng chống HIV/AIDS, chưa thực hiện được triển khai được xét nghiệm HIV tại cộng đồng, chưa triển khai điều trị ARV trong Trại tạm giam và điều trị dự phòng PrEP.
Để hoàn thành mục tiêu 95-95-95 theo kế hoạch hoạch thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, giai đoạn tới chương trình phòng chống HIV/AIDS tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động Truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV, Điều trị chăm sóc người nhiễm HIV, xét nghiệm giám sát dịch tễ học HIV và nâng cao năng lực phòng chống HIV/AIDS, tuy nhiên chương trình sẽ ưu tiên mũi nhọn đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm phát hiện tại cộng đồng, phát hiện ca nhiễm mới đưa vào điều trị sớm, rà soát số lượng nhóm đồng giới và đối tượng nguy cơ cao, xây dựng Kế hoạch điều trị PrEP và mở rộng dịch vụ điều trị ARV tại trại tạm giam.
Là một điều phối viên, cán bộ chương trình phòng chống HIV/AIDS tôi rất mong tiếp tục được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, sự đồng hành của các đơn vị y tế trong ngành và ủng hộ của người dân tham gia vào chương trình phòng chống HIV/AIDS để Hòa Bình thực hiện thành công các mục tiêu Kế hoạch hoạch thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030.

Hỗ trợ kỹ thuật chương trình chăm sóc điều trị HIV/AIDS tại phòng khám ngoại trụ HIV/AIDS - TTYT huyện Lương Sơn

BS Nguyễn Thị Nghĩa (CDC Hòa Bình)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây