NHỮNG ĐIỂU CẦN BIẾT VỀ LOÉT BÀN CHÂN DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG

Thứ sáu - 31/03/2023 05:21 523 0
Loét bàn chân do đái tháo đường (ĐTĐ) là các vết loét xuất hiện ở bàn chân (từ mắt cá chân trở xuống: mu chân, gan bàn chân, gót chân và bàn-ngón chân) ở người bệnh ĐTĐ. Đây là một trong những biến chứng hay gặp và nguy hiểm nhất ở người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát và phòng tránh được biến chứng này nếu biết ngăn ngừa đúng cách.
Tại quyết định số 1530/QĐ ngày 24/3/2023 của Bộ Y tế ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Loét bàn chân do đái tháo đường” cho biết: Ước  tính có  khoảng 19–34%  người  bệnh ĐTĐ có nguy cơ bị loét bàn chân  do ĐTĐ trong đời. Trong một số nghiên cứu cho thấy: tỷ lệ loét bàn chân ở người bệnh ĐTĐ nhập viện điều trị nội trú khoảng 20%. Loét bàn chân  do ĐTĐ có thể lành lại sau một vài tuần hoặc một vài tháng nếu được chăm sóc đúng cách, tuy nhiên, việc cắt cụt chi được áp dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng hoặc tử vong ở khoảng gần một phần ba tổng số vết loét. Tỷ lệ tái phát loét bàn chân do ĐTĐ được ước tính là khoảng 40% (trong vòng 1 năm), 60% (trong vòng 3 năm) và 65% (trong vòng 5 năm).
Trong khi đó, hơn một triệu chi dưới bị mất ở những người mắc bệnh ĐTĐ mỗi năm, tương đương với 85% tổng số chi dưới bị cắt cụt và khi xét đến tỷ lệ ngày càng gia tăng của  bệnh ĐTĐ, có thể dự đoán rằng  hậu quả tiêu cực của loét bàn chân do ĐTĐ cũng sẽ tăng đáng kể trong tương lai gần.
Hơn nữa, ngoài tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất của người bệnh ĐTĐ, loét bàn chân do ĐTĐ còn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của những người bệnh khi họ có vấn đề về tâm lý, trầm cảm. Trầm cảm phổ biến ở một phần ba số người bệnh bị loét bàn chân do ĐTĐ lần đầu và liên quan đến nguy cơ tử vong tăng gấp hai lần trong 5 năm.
Loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường có thể được phòng ngừa hoặc không quá nghiêm trọng nếu được phát hiện sớm. Dưới đây là những dấu hiệu giúp bạn phát hiện sớm biến chứng này:
Thay đổi màu da chân.
Thay đổi nhiệt độ da chân.
Các vết nứt khô trên da, đặc biệt là quanh gót chân.
Mùi hôi chân khó chịu và không biến mất sau khi rửa.
Sưng ở bàn chân hoặc mắt cá chân.
Chảy nước từ bàn chân làm bẩn tất.
Khi phát hiện có vết loét bàn chân, người bệnh đái tháo đường cần đến ngay bệnh viện hoặc trung tâm y tế để được điều trị. Người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc kết hợp với chăm sóc tại nhà để xử lý vết loét.
Với trường hợp nhiễm trùng, lở loét nhẹ: Bác sĩ sẽ cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh phù hợp. Với trường hợp nhiễm trùng, lở loét nặng: Bác sĩ sẽ cân nhắc dùng các biện pháp can thiệp ngoại khoa như phẫu thuật loại bỏ một số mô, nếu lở loét nặng ở các ngón chân, thậm chí có thể phải cắt cụt chi để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Phòng chống lở loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường
Vệ sinh chân sạch sẽ: Rửa chân hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng. Lau khô chân sau khi rửa xong, đặc biệt là các kẽ chân. Tuyệt đối không ngâm chân lâu trong nước.
Kiểm tra chân thường xuyên: Vì bị mất cảm giác đau nên bạn cần thường xuyên kiểm tra xem chân có xuất hiện các vết thương, vết lở loét hay không để xử lý kịp thời.
Bôi kem dưỡng ẩm: Nếu da bàn chân bị khô, nứt nẻ, bạn có thể dùng kem dưỡng ẩm để cấp ẩm cho da chân, tuy nhiên không bôi vùng kẽ giữa các ngón chân vì là vùng dễ chảy mồ hôi.
Sử dụng giày phù hợp: Đảm bảo bạn mang giày vừa vặn, không được chật. Giày làm từ chất liệu mềm không cọ xát làm trầy xước da. Thường xuyên giặt giày và tất sạch sẽ để tránh là môi trường cho vi khuẩn sinh sôi.
Kiểm soát tốt lượng đường trong máu: Đây là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất để giảm thiểu nguy cơ loét bàn chân ở người đái tháo đường. Bạn cần xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế đồ ăn nhiều đường, dầu mỡ và tinh bột. Cùng với đó là chế độ sinh hoạt khoa học, tập thể dục thường xuyên.

Thu Hương – CDC Hòa Bình (tổng hợp)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây