NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN VỀ CHẠY THẬN NHÂN TẠO
Xa Quốc Văn
2023-02-06T02:44:09-05:00
2023-02-06T02:44:09-05:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/tin-tuc-va-su-kien/nhung-dieu-co-ban-ve-chay-than-nhan-tao-483.html
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/news/2023_02/image-20230206144232-1.png
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Thận nhân tạo là một trong những phương thức điều trị thay thế chức năng thận. Đối với bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, có 3 phương thức điều trị thay thế thận:
(1) Thận nhân tạo (lọc máu chu kỳ)
(2) Thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng)
(3) Ghép thận
Hiện nay, đa số bệnh nhân được điều trị bằng phương thức Thận nhân tạo. Sau đây là một số câu hỏi thường gặp trước, và trong khi điều trị chạy thận nhân tạo để bệnh nhân có thể hiểu hơn về cách thức điều trị.
Khi nào cần lọc máu?
Bạn cần lọc máu nếu thận của bạn không còn loại bỏ đủ chất thải và chất lỏng từ máu để giúp cơ thể khỏe mạnh. Điều này thường xảy ra khi bạn chỉ còn 10 – 15% chức năng thận. Các triệu chứng phổ biến là buồn nôn, nôn, phù, tiểu ít và mệt mỏi. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn chưa có những triệu chứng này, trong cơ thể bạn vẫn có thể tồn tại một lượng chất thải cao trong máu có thể gây độc. Tốt nhất bạn nên hỏi bác sỹ để biết khi nào nên bắt đầu chạy thận.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần ăn kiêng gì không?
Có. Nói chung bệnh nhân lọc máu nên tăng lượng protein và hạn chế Kali, phospho, natri và nước trong chế độ ăn uống.
Lọc máu có thể chữa khỏi bệnh không?
Trong trường hợp suy thận cấp tính, hoặc đợt cấp tính của suy thận mạn có thể chỉ cần lọc máu từ một đến vài lần, trong thời gian ngắn cho đến khi chức năng thận ổn định và tiếp tục làm việc.
Tuy nhiên, khi bạn bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối, thì thận của bạn không thể hồi phục và bạn sẽ phải lọc máu trong suốt phần đời còn lại của mình trừ khi bạn được ghép thận mới.
Quá trình lọc máu diễn ra như thế nào?
Bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối, bác sỹ sẽ tư vấn bệnh nhân làm FAV (cầu tay) là đường nối từ động mạch, sang tĩnh mạch nhằm làm tĩnh mạch to hơn, có tốc độ ổn định để lọc máu. Nên làm FAV chuẩn bị lọc máu từ khi bạn bị suy thận giai đoạn IIIB trở lên.
Mỗi lần lọc máu sẽ kéo dài từ 2,5 đến 4 giờ tùy từng trường hợp và chỉ định cụ thể của bác sỹ trên từng bệnh nhân.
Chạy thận nhân tạo có được bảo hiểm y tế chi trả không?
Hiện tại Bảo hiểm y tế chi trả hoàn toàn đối với dịch vụ chạy thận nhân tạo thường quy và cấp cứu. Bạn sẽ được chi trả theo đúng mức hưởng trên thẻ bảo hiểm y tế.
Suy thận mạn giai đoạn cuối và phải chạy thận nhân tạo thì có thể tham gia lao động, sản xuất được không?
Việc lọc máu được diễn ra 1 tuần 3 lần, vào các ngày thứ 2, 4, 6 hoặc thứ 3,5,7 trong tuần. Mỗi ca lọc diễn ra từ 3h-4h, sau khi lọc máu, bệnh nhân ra về, không phải ở lại bệnh viện. Do đó, nếu bạn cảm thấy sức khỏe phù hợp với công việc hiện tại, thì vẫn làm việc bình thường (tránh các công việc nặng nhọc, dùng nhiều sức lực).
Bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo chu kỳ có thể đi du lịch không?
Bệnh nhân có thể đi du lịch. Các đơn vị lọc máu được đặt khắp mọi trên trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài.
BSCKI. Quách Thị Dung – Trưởng khoa Thận nhân tạo, BVĐK tỉnh