ĐỐI PHÓ VỚI TÌNH TRẠNG HO, KHÓ THỞ SAU KHI CAI THUỐC LÁ
soyte
2022-07-25T21:17:09-04:00
2022-07-25T21:17:09-04:00
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/chuong-trinh-pcth-thuoc-la/doi-pho-voi-tinh-trang-ho-kho-tho-sau-khi-cai-thuoc-la-218.html
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/news/2022_07/image-20220726081651-1.jpeg
SỞ Y TẾ TỈNH HÒA BÌNH
https://soytehoabinh.gov.vn/vi/uploads/logo.png
Những người hút thuốc lá lâu năm, có quá trình tiếp xúc lâu dài với nicotin làm cho hoạt động của não bộ bị lệ thuộc, khi cai thuốc, thiếu nicotin trong máu, cơ thể sẽ biểu hiện khó chịu thường với các triệu chứng phổ biến như: thèm thuốc, mất ngủ, uể oải mệt mỏi, khó tập trung, tăng cân... Nhưng có vài triệu chứng khiến một số người lo lắng. Bỏ thuốc khiến họ cảm thấy sức khỏe yếu hơn khi xuất hiện: ho, khó thở, tức ngực, ho, nghẹt mũi...
Nguyên nhân gây ho, khó thở sau khi bỏ hút thuốc
Khói thuốc lá làm tổn thương và tê liệt chuyển động của hệ thống lông mao trên bề mặt phổi. Hệ thống này có tác dụng đẩy bụi bẩn và chất nhầy ra khỏi phổi. Ngay khi ngừng hút thuốc lá, cơ thể sẽ bắt đầu tự sửa chữa các mô bị hư hại, tổn thương bằng cách loại bỏ các hóa chất và độc tố tích tụ trong thời gian hút thuốc. Môi trường không hút thuốc sẽ giúp làm sạch và kích hoạt lại lông mao, những cơn ho là một phần của quá trình làm sạch này. Trong giai đoạn này, bạn có thể gặp các triệu chứng tương tự cúm (đau họng, nghẹt mũi, ho khạc ra đờm), đó là nỗ lực của cơ thể để thanh lọc chất độc khỏi hệ hô hấp. Nếu bạn bị ho sau khi bỏ thuốc lá, đây là dấu hiệu cho thấy chức năng làm sạch đờm và bụi bẩn của phổi của bạn bắt đầu hồi phục. Tùy thuộc vào khối lượng độc chất trong phổi, các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày đến vài tháng.
Thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế huyện Tân Lạc
Bên cạnh biểu hiện ho, có thể bạn cũng bị cảm giác tức ngực và khó thở. Các nguyên nhân gây khó thở khi ngừng hút thuốc bao gồm:
Tăng cảm giác căng thẳng, lo âu. Điều này đặc biệt đúng với những người từng hút thuốc lá như một hình thức thư giãn. Căng thẳng, lo âu khiến người ta cảm thấy khó thở.
Thở nông hơn. Khi hút thuốc lá buộc bạn thở chậm và rít hơi thuốc sâu, sau khi bỏ hút thuốc, bạn ít khi có cơ hội thở hít sâu như thế nên bạn có cảm giác khó thở (hơi thở nông hơn) là điều dễ hiểu. Các triệu chứng trên nếu có nhưng khó thở không kéo dài và không dẫn tới các triệu chứng khác như da nhợt nhạt, tái xanh (biểu hiện cơ thể không nhận đủ oxy) thì bạn vẫn ổn.
Cách giảm bớt những cơn ho, khó chịu khi cai thuốc lá
Mặc dù các cơn ho sau khi bỏ thuốc lá thường là vô hại, tuy nhiên nó lại gây nhiều khó chịu và lo lắng cho bạn và người thân. Nếu các triệu chứng cai thuốc làm cho bạn khó chịu, bạn có thể áp dụng các cách sau để giảm bớt những cơn ho này:
Uống đủ 2,5 lít nước mỗi ngày sẽ giúp tình trạng ho của bạn không trở nặng thêm. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể còn đặc biệt tốt cho người cai thuốc lá. Nó có tác dụng làm mát cơ thể và giúp tinh thần sảng khoái hơn, làm dịu cổ họng của bạn, khiến các cơn ho không quá gay gắt. Hãy uống từng ngụm nhỏ, giữ cho cổ họng luôn ẩm để hạn chế cơn ho một cách tốt hơn.
Bên cạnh nước lọc, bạn cũng có thể bổ sung các loại nước ép trái cây, nước khoáng hoặc các loại trà thảo mộc như cam thảo, quế, gừng. Đây là những loại thức uống có tác dụng cai thuốc lá, kháng viêm, giảm ho hiệu quả.
Tăng cường độ ẩm không khí nơi sống và làm việc. Tránh không khí ô nhiễm. Đeo khẩu trang trong suốt thời gian phục hồi. Hít thở không khí sạch, có thể tăng tốc độ hồi phục cho phổi.
Ngoài ra, một số bài tập sẽ giúp cải thiện triệu chứng khó chịu hô hấp sau bỏ hút thuốc lá. Nên dành 30 phút tập mỗi ngày cho các bài tập aerobic, rất tốt cho việc cải thiện chức năng tim phổi. Khó thở sau khi bỏ hút thuốc có thể giảm bằng cách tập các bài tập thở sâu. 3 kỹ thuật thở có thể áp dụng hiệu quả là thở bụng, kiểm soát hơi thở, kỹ thuật thở trong yoga.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở một số người, sau khi bỏ thuốc có nhiều thay đổi khó chịu về thể chất, tinh thần khiến họ dễ hút thuốc trở lại. Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy quyết tâm cao để cai thuốc lá. Hãy nhớ không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc lá.
Thu Hương (CDC Hòa Bình)