VÌ LÁ PHỔI KHOẺ HÃY TỪ BỎ THUỐC LÁ

Thứ tư - 13/07/2022 10:56 507 0
Giống như bất cứ cơ quan nào khác trên cơ thể, lá phổi với nhiệm vụ trao đổi khí, giúp cho quá trình hô hấp được diễn ra thuận lợi. Giữ một lá phổi khỏe mạnh giúp bảo vệ cơ thể tránh những vấn đề sức khỏe hô hấp và bệnh lý nghiêm trọng như: hen suyễn, viêm phổi, xơ nang phổi,...
Rất nhiều người cho rằng, thuốc lá chỉ gây tác hại trực tiếp đến người hút chứ không ảnh hưởng đến người hít phải khói thuốc, nhưng thực tế không phải vậy.Theo thống kê của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 33 triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động.  
Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo tài liệu của "chương trình phòng chống tác hại thuốc lá": Khói thuốc lá chứa tới hơn 7.000 chất, phần lớn là chất độc hại, trong đó có khoảng 60 chất là tác nhân gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da. Trong khói thuốc lá có nhiều chất kích thích khối u, người nghiện hút thuốc lá quá nhiều chất độc sẽ ngấm dần và tích lũy trong cơ thể.
Để tìm hiểu thêm về ảnh hưởng của thuốc lá tới người bệnh theo chân bác sĩ Quách Văn Hiển Khoa KSBT và HIV, AIDS, truyền nhiễm, tư vấn và điều trị nghiện chất Trung tâm y tế huyện Kim Bôi chúng tôi đã được tiếp xúc với một số người bệnh đang nằm điều trị bệnh liên quan đến đường hô hấp. Qua tìm hiểu phần lớn họ đều có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào.  Ông Quách Thanh Bảo, 68 tuổi ở xã Sào Báy, huyện Kim Bôi cho biết: “Tôi hút thuốc lá từ khi 18 tuổi, đến nay đã 50 năm rồi. Gần đây tôi bị ho nhiều, tức ngực, khó thở và cảm thấy chán ăn, người mệt mỏi đi khám bác sĩ bảo tôi bị viêm phổi. Bác sĩ khuyên từ bỏ thuốc lá để điều trị thì bệnh mới khỏi nhanh được, tôi cũng đang cố gắng mỗi ngày giảm số lần hút để cai hẳn thuốc đấy”.
Bác sĩ Quách Văn Hiển chia sẻ:  Hút thuốc lá là nguyên nhân ra ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Khói thuốc lá có thể thu hẹp đường thở và khiến việc thở khó khăn hơn, từ đó có thể gây bệnh viêm phế quản mạn tính hoặc viêm phổi. Theo thời gian, khói thuốc lá sẽ phá hủy mô phổi và có thể kích thích những thay đổi phát triển thành ung thư. Theo thống kê của Bộ Y tế, khoảng 25% người trên 65 tuổi mắc viêm phổi có nguy cơ tử vong; 30-50% người bệnh phải gánh chịu những biến chứng nặng nề như: Nhiễm trùng huyết; Suy hô hấp nặng; Tràn dịch màng phổi; Áp xe phổi... nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Chính vì thế, khi có triệu chứng như: Đau ngực khi thở hoặc ho; Ho, ho khan, ho có đờm; Sốt trên 38 độ, đổ mồ hôi và ớn lạnh; Mệt mỏi, uể oải và chán ăn; Thở nhanh, khó thở khi gắng sức; Buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy... cần đến ngay các cơ sở y tế, để được khám và điều trị kịp thời. Đặc biệt đối với người bệnh bị viêm phổi mà có hút thuốc lá, thuốc lào thì cần cai thuốc.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp do khói thuốc lá gây nên mỗi chúng ta cần thực hiện các biện pháp: hãy nói không với thuốc lá; không hút thuốc ở những điểm cấm hút thuốc theo quy định của Luật PCTHCTL như: Nơi công cộng, cơ sở y tế, trường học, trong nhà khi có người già, trẻ nhỏ, phụ nữ,... ; bảo vệ, giữ gìn môi trường nhà ở, nơi làm việc sạch sẽ, ăn uống đủ chất dinh dưỡng,...
Vì lá phổi khoẻ, vì môi trường không khói thuốc, hãy nói không với thuốc lá.


Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Kim Bôi khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân
Thuỳ Dung ( Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây