HƯỚNG TỚI LOẠI TRỪ LÂY TRUYỀN HIV TỪ MẸ SANG CON VÀO NĂM 2030

Thứ ba - 04/06/2024 04:56 34 0
Năm 2012, tỉnh Hòa Bình bắt đầu thực hiện điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Khoa sản bệnh viện đa khoa tỉnh, đến thời điểm hiện tại đã có hơn 60 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị thành công và xét nghiệm sau điều trị dự phòng có kết quả không lây nhiễm HIV từ mẹ. Hiện tại tỉnh Hòa Bình vẫn đang tiếp tục duy trì điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV tại các cơ sở điều trị Bệnh viện đa khoa tỉnh, Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS -TTYT huyện Mai Châu, Lạc Sơn, Kim Bôi và Lương Sơn.
Nhân Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2024, với mục tiêu “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình xin cung cấp một số thông tin trong hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con để cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao để chủ động trong công tác dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
* Các thời điểm lây truyền vi-rút HIV cho con
Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền cho con qua 3 giai đoạn:
1. Khi người mẹ mang thai, HIV từ mẹ truyền qua nhau thai vào cơ thể thai nhi từ rất sớm, có thể ngay từ tuần thứ 8 của thai kỳ. Có khoảng 17 – 25% trẻ sơ sinh có khả năng lây nhiễm HIV ở giai đoạn này.
2. Khi sinh, HIV lây từ dịch và máu của mẹ nhiễm HIV vào cơ thể trẻ. Có khoảng 50 – 60% trẻ sơ sinh bị lây nhiễm HIV từ giai đoạn này.
3. Khi cho con bú, HIV có thể lây qua sữa mẹ hoặc các vết nứt, trầy xước ở núm vú mẹ sang cơ thể trẻ. Có khoảng 15 – 25% trẻ bị lây nhiễm HIV ở giai đoạn bú mẹ.

* Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ qua con
Để phát hiện HIV ở phụ nữ mang thai, tất cả thai phụ nên đến các cơ sở y tế để được khám và tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Nếu phát hiện bệnh và được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, bệnh nhân có thể đảm bảo hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con. Nếu không áp dụng các biện pháp dự phòng, tỉ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là 30-35% và nếu được phát hiện sớm, điều trị sớm, tỷ lệ này giảm xuống còn dưới 5%.
 Trước khi mang thai:
- Người mẹ chưa nhiễm HIV cần chủ động đến các cơ sở y tế để tư vấn và xét nghiệm HIV, đồng thời nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa trước khi có ý định mang thai.
- Đối với những người mẹ đã nhiễm HIV cần phải điều trị ARV sớm, dùng thuốc ARV ít nhất đủ 24 tháng và tuân thủ điều trị tốt để đạt được tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu và nên tư vấn bác sĩ chuyên khoa về thời điểm mang thai.
  • Trong khi mang thai: 
- Tư vấn về dinh dưỡng khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ sau sinh; về nguy cơ và bất lợi có thể xảy ra khi mang thai, sinh đẻ, kể cả việc nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ sau này;
Khám thai định kỳ ở cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn, hướng dẫn về chăm sóc thai sản, chọn nơi sinh phù hợp;
- Người mẹ đang nhiễm HIV cần phải tuân thủ điều trị để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml nhằm giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền HIV cho con.
  • Khi sinh: 
- HIV từ nước ối, dịch tử cung, dịch âm đạo của mẹ xâm nhập vào trẻ qua niêm mạc mắt, mũi, hậu môn hoặc da bị sây sát của trẻ trong quá trình sinh.
- HIV cũng có thể từ trong máu của mẹ thông qua các vết loét ở cơ quan sinh dục của mẹ xâm nhập vào cơ thể của trẻ sơ sinh. Vì vậy những người mẹ nhiễm HIV thường được tư vấn sinh mổ để hạn chế sây xát da em bé, giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV.
Thực hiện đảm bảo các nguyên tắc vô khuẩn trong sản khoa. Hạn chế các thủ thuật: bấm ối, mổ lấy thai, đặt điện cực, rạch màng ối sớm. Tắm cho trẻ ngay sau sinh.
  • Sau khi sinh: 
- Người mẹ cần đến cở sở điều trị HIV/AIDS để được tiếp tục theo dõi sức khỏe và điều trị ARV.
- Trẻ em ngay sau sinh (trong vòng 24 giờ) được uống thuốc ARV theo chỉ dẫn của bác sĩ để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
- HIV có thể lây từ mẹ sang con do HIV có trong sữa mẹ hoặc máu, dịch tiết từ các vết nứt ở núm vú người mẹ, vì vậy tốt nhất không cho trẻ bú mẹ.
- Nếu nuôi con bằng sữa mẹ người mẹ phải được điều trị ARV và tuân thủ tốt để tải lượng vi rút dưới 200 bản sao trong 1ml máu.
- Nếu nuôi con bằng sữa thay thế thì cần phải đáp ứng cung cấp đủ sữa thay thế hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu, có nước sạch và chuẩn bị sữa ăn thay thế an toàn, hợp vệ sinh và đủ số lượng phù hợp với tuổi của trẻ.
- Khi trẻ được 4-6 tuần tuổi, đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV. Sau đó bác sĩ sẽ tư vấn cho người mẹ có phương pháp chăm sóc thích hợp và thời điểm xét nghiệm lại./.
            
BS. Nguyễn Thị Nghĩa  (CDC Hòa Bình)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây