PHÁT HIỆN SỚM BỆNH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI CÁN BỘ Y TẾ

Thứ sáu - 07/06/2024 05:46 62 0
Y tế là ngành lao động đặc thù, hầu hết đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với các bệnh phẩm nguy hiểm, độc hại, đối diện với nguy cơ phơi nhiễm từ các bệnh truyền nhiễm, tiếp xúc, làm việc trong môi trường bức xạ, hóa chất… Do vậy, chú trọng bảo vệ đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế trước những bệnh tật, rủi ro nghề nghiệp là việc làm cấp thiết. Hiện nay, trong tổng số 35 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội, có 5 bệnh nghề nghiệp liên quan trực tiếp đến ngành y tế, bao gồm:
Bệnh phóng xạ nghề nghiệp
Bệnh phóng xạ nghề nghiệp là bệnh phát sinh do cơ thể người lao động bị chiếu xạ quá liều trong quá trình lao động.
Trong y tế, bệnh do yếu tố bức xạ ion hóa (chất phóng xạ) có nguy cơ gặp ở nhân viên y tế làm việc trong các khoa/phòng:
+ Khoa Chẩn đoán hình ảnh: chụp X-quang, SPECT-CT, PET-CT, CT- Scanner, can thiệp mạch, đo độ loãng xương…
+ Khoa Xét nghiệm, khoa xạ trị có sử dụng các chất phóng xạ để chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư
Biểu hiện bệnh nghề nghiệp do tiếp xúc với tia phóng xạ:
Thể nhẹ: Rối loạn điều hoà thần kinh, huyết áp động mạch hạ, mạch nhanh và loạn nhịp xoang, rối loạn vận động ruột và chức năng mật, dễ kích thích.
Thể tiến triển: biểu hiện lâm sàng và điện tim của chứng loạn dưỡng cơ tim với  huyết áp động mạch hạ kéo dài; giảm sản tuỷ xương kéo dài, giảm tiểu cầu; rối loạn chức năng buồng trứng, ít kinh nguyệt ở nữ giới.
Viêm da mãn tính do nhiễm xạ ngoại chiếu: Loạn cảm giác, đau, ngứa, da khô, loạn dưỡng móng tay, tăng sừng hoá, xung huyết, nứt nẻ, loét da, đục nhân mắt.
Nếu phát hiện muộn: Ung thư da, ung thư xương, bạch cầu tuỷ, ung thư thượng bì phổi.
Bệnh viêm gan virut B (HBV) nghề nghiệp
Khả năng nhiễm viêm gan virut B đối với nhóm cán bộ y tế bị thương do kim đâm, tiếp xúc với máu, dịch cơ thể của bệnh nhân có HBsAg dương tính.
Với khả năng sống lâu nhiều tháng trong vết máu khô, virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm gấp từ 50-100 lần so với HIV. Nhóm có nguy cơ cao bao gồm: nhân viên phòng xét nghiệm, nha sĩ, nhân viên làm công tác cấp cứu, nhân viên xử lý rác thải, nhân viên ướp xác
Biểu hiện của bệnh
Virus viêm gan B có thể gây ra bệnh cấp tính với các hội chứng kéo dài khoảng vài tuần bao gồm vàng da và mắt (bệnh vàng da), nước tiểu đậm màu, suy kiệt, buồn nôn, nôn mửa và đau bụng. Mọi người có thể phải mất vài tháng đến một năm mới khỏi các hội chứng này. HBV cũng có thể gây một nhiễm trùng gan mạn tính và sau này có thể phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hoà Bình thực hiện giám sát hỗ trợ công tác vệ sinh lao động, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp tại Trung tâm y tế Thành phố Hòa Bình
Bệnh viêm gan virut C nghề nghiệp:
Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp là bệnh gan do vi rút viêm gan C (HCV) gây ra trong quá trình lao động. Đây là một bệnh nguy hiểm, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan.
Triệu chứng của bệnh viêm gan vi rút C
Triệu chứng của bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ tổn thương gan của mỗi người, tuy nhiên, những triệu chứng chính có thể như:
Bệnh viêm gan C diễn biến âm ỉ, hầu như không có triệu chứng ở giai đoạn cấp. Các triệu chứng nếu có cũng rất mơ hồ, không đặc hiệu như: mệt mỏi, chán ăn, đầy bụng, đau nhẹ hạ sườn phải, rối loạn tiêu hóa, đa cơ.
Có thể gặp vàng da nhẹ, kín đáo, xuất hiện từng đợt, sốt và gây sút cân.
Có thể có các biểu hiện ngoài gan như: cơ xương khớp, da và niêm mạc, hệ nội tiết, thận, tiêu hóa, tim mạch.
Ngoài ra, nếu bệnh viêm gan C tiến triển đến giai đoạn nặng, bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng như xơ gan, ung thư gan, chảy máu dạ dày và suy giảm chức năng thận. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng đặc biệt và chỉ phát hiện bệnh khi đi kiểm tra y tế định kỳ hoặc khi có các triệu chứng lâm sàng khác.
Bệnh nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp:
Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp là tình trạng nhiễm vi rút HIV trong quá trình lao động.
Bộ Y tế đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp, do tham gia cứu nạn, do rủi ro của kỹ thuật y tế.
Cụ thể, người được xác định bị phơi nhiễm với HIV khi có đủ các điều kiện sau: 1- Bị kim, vật nhọn đâm, vật sắc cứa xuyên qua da hoặc các tác nhân khác làm da bị trầy xước, nứt nẻ mà những vùng tổn thương này đã tiếp xúc với máu, sản phẩm máu hoặc dịch cơ thể người nhiễm HIV; 2- Bị máu, sản phẩm máu, dịch cơ thể người nhiễm HIV tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc mắt, mũi, miệng; 3- Bị rủi ro (không cố ý) của kỹ thuật y tế về truyền máu, sản phẩm máu, ghép mô, bộ phận cơ thể lấy từ người nhiễm HIV, vô khuẩn, sát khuẩn, xử lý chất thải khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật, tiêm thuốc, châm cứu từ người nhiễm HIV.
Bệnh lao nghề nghiệp:
Khi tiếp xúc gần gũi, kéo dài với nguồn lây là những người mắc bệnh lao phổi khi ho, hắt hơi, nói chuyện làm bắn ra những giọt dịch nhỏ chứa vi khuẩn lao, tạo ra nguy cơ mắc bệnh lao cho những người xung quanh trong đó có các cán bộ nhân viên y tế trực tiếp thường xuyên làm công tác khám, điều trị, điều dưỡng, phục vụ trực tiếp những bệnh nhân bị lao.
Khi bị bệnh, các tổ chức, cơ quan trong cơ thể bị phá hủy, nếu phát hiện muộn và điều trị không kịp thời, không đúng, cơ quan bị tổn thương nặng nề, có chữa khỏi về mặt vi trùng cũng không hồi phục được. Tổn thương hang hốc, xơ sẹo do lao phổi có thể dẫn đến suy hô hấp, tâm phế mạn…, lao xương khớp dẫn đến gù, vẹo cột sống, cứng khớp, tàn tật suốt đời…
Thu Hương (CDC Hoà Bình)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây